Đụng độ chết người ở biên giới gây sức ép lên Thủ tướng Ấn Độ

Đụng độ chết người xảy ra khi lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc đều đang phải xử lý nhiều khó khăn trong nước
Đụng độ chết người xảy ra khi lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc đều đang phải xử lý nhiều khó khăn trong nước
TPO - Sau đợt đụng độ biên giới vào tối 15/6 khiến vài chục binh lính Ấn Độ và Trung Quốc thiệt mạng, hai bên đang nỗ lực xuống thang dù một số tiếng nói ở Ấn Độ kêu gọi cần phải đáp trả quyết liệt hơn. 

Hai bên đều hứng chịu thương vong nhưng chưa biết con số chính xác là bao nhiêu. Báo chí Ấn Độ cho biết 20 sĩ quan và binh lính nước này thiệt mạng, ngoài ra còn nhiều người bị thương, trong khi phía Trung Quốc có 43 lính chết. Nhưng giới chức hai bên chưa công bố con số chính thức. 

Trước tình hình đó, áp lực đang gia tăng lên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải đáp trả. 
Trong tweet đăng sáng nay, ông Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại đối lập, nêu câu hỏi: “Vì sao Thủ tướng im lặng? Vì sao ông ấy trốn tránh?”

“Quá đủ rồi. Chúng tôi cần biết điều gì đã xảy ra. Vì sao Trung Quốc dám giết lính của chúng ta? Vì sao họ dám chiếm đất của chúng ta”, ông Gandhi chỉ trích.

Vụ việc vừa rồi chỉ là một trong nhiều khủng hoảng mà ông Modi phải đối mặt. Chính phủ của ông gần đây gặp nhiều chỉ trích trong vấn đề xử lý đại dịch COVID-19 khi nước này có hơn 354.000 người mắc bệnh và gần 12.000 người thiệt mạng, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins. Nhiều bang của Ấn Độ phải kéo dài lệnh phong tỏa vì chưa khống chế được đại dịch.

“Thời điểm này cực kỳ tồi tệ. Ấn Độ đang gặp khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ trước nhưng trở nên trầm trọng hơn vì phong tỏa, và vẫn đang ghi nhận số bệnh nhân tăng, dù chậm. Giờ lại xảy ra các vấn đề biên giới với 3 nước Pakistan, Trung Quốc và Nepal”, Alyssa Ayres, nhà nghiên cứu câp scao về Nam Á tại Hội đồng đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách, nói với CNN

Vụ đụng độ xảy ra khi hai nước đang nỗ lực xuống thang đợt căng thẳng bắt đầu từ tháng 5 ở khu vực thung lũng Galwan, dẫn đến việc hai bên đều tăng cường điều quân và vũ khí. 

Quân đội Ấn Độ trước đó cho biết 1 sĩ quan và 2 lính của họ thiệt mạng, nhưng đến chiều qua cho biết có thêm 17 lính của họ “bị thương nghiêm trọng trong lúc làm nhiệm vụ ở khu vực đối đầu đã không chịu được khi phải chịu đựng điều kiện thời tiết dưới 0 độ C”. 

Đây là vụ đụng độ chết người đầu tiên trên biên giới hai nước trong hơn 40 năm qua. 

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiện nói: “Quân Ấn Độ vi phạm nghiêm trọng sự đồng thuận giữa hai nước và hai lần vượt qua đường phân chia để thực hiện các hoạt động trái phép rồi kích động và tấn công binh lính Trung Quốc, dẫn đến xung đột nghiêm trọng giữa hai bên”. 

Đêm qua, quân đội Trung Quốc ra tuyên bố kêu gọi quân Ấn Độ ngay lập tức dừng cái họ gọi là “các hành động khiêu khích” và “giải quyết vấn đề thông qua kênh đối thoại phù hợp”. 

Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, viết trên Twitter rằng việc Trung Quốc không công bố con số thương vong cho thấy đó là dấu hiệu thể hiện “thiện chí từ Bắc Kinh”. 

“Tôi hiểu là phía Trung Quốc không muốn người dân hai bên so sánh số lượng thương vong để tránh kích động dư luận”, ông Hồ Tích Tiến viết. 

Giọng điệu ôn hòa này trái ngược với những bài viết gay gắt trên Thời báo Hoàn cầu trong những tuần qua, trong đó có bài về những hoạt động diễn tập, điều động binh lính và vũ khí của Trung Quốc lên vùng tranh chấp. 

Giới quan sát cho rằng cả ông Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đang nỗ lực cải thiện ủng hộ của dư luận trong nước bằng cách thôi thúc chủ nghĩa dân tộc và hứa hẹn về một vị thế mới cho đất nước. Điều này dẫn đến những phát biểu quyết liệt, đặc biệt khi nhắm tới khán giả trong nước. 

Cách làm đó thể hiện rõ ràng trong việc đưa tin của báo chí Trung Quốc về những hoạt động tập trận của quân đội nước này trên khu vực thuộc dãy Himalaya. 

Delhi dù kêu gọi giảm căng thẳng, nhưng các quan chức chính phủ Ấn Độ vẫn có những phát biểu cứng rắn. Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah phát biểu trước cuộc họp của đảng BJP cầm quyền hồi đầu tháng này rằng “bất kỳ sự xâm phạm nào qua biên giới Ấn Độ đều sẽ bị trừng phạt”. 

“Một số người thường nói chỉ có Mỹ và Israel sẵn sàng và có thể trả thù cho mỗi giọt máu mà binh lính của họ nhỏ xuống. Nhưng ông Modi đã đưa Ấn Độ vào danh sách đó”, ông Shah nói. 

Tướng nghỉ hưu Singh của Ấn Độ nói rằng một phần nguyên nhân của vấn đề là do đường kiểm soát thực tế không được xác định rõ ràng. 

“Ở cấp chiến lược và hoạt động, cả hai quân đội đều kìm chế. Nhưng ở mức chiến thuật, đụng độ vẫn xảy ra vì nhận thức khác nhau về đường phân chia không rõ ràng. Đụng độ thường được giải quyết ở cấp địa phương, nhưng những việc như xây dựng đường xá hay công trình phòng thủ tốn thời gian hơn và đòi hỏi cả nỗ lực quân sự và ngoại giao”, ông Singh nói.

MỚI - NÓNG