Đừng để tàn phế vì loãng xương

Đừng để tàn phế vì loãng xương
TP - “Loãng xương là bệnh mạn tính tiêu tốn chi phí điều trị nhất hiện nay và khiến gần 1/3 phụ nữ và 1/5 đàn ông trên 50 tuổi phải sống khó khăn do tỷ lệ gãy xương gây ra”- PGS-TS Lê Anh Thư- Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM cảnh báo.

2,8 triệu người bị loãng xương
> Những thói quen xấu gây bệnh loãng xương
> Ăn sáng giờ nào thì tốt?

Tập luyện thể dục hằng ngày giúp phòng ngừa loãng xương
Tập luyện thể dục hằng ngày giúp phòng ngừa loãng xương.

Theo bác sĩ Thư, bệnh loãng xương được ví là căn bệnh âm thầm, từng ngày gặm nhấm các khoáng chất quý báu trong ngân hàng xương của con người. Lúc đầu, thường không có biểu hiện, nhưng khi có các dấu hiệu rõ ràng, khối lượng xương thường đã mất tới trên 35%. Hiện thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương, trong đó 2,8 triệu người tại Việt Nam mắc căn bệnh này và trong đó có 170.000 người bị gãy xương, gần 26.000 người bị gãy cổ xương đùi.

Hậu quả nặng nề nhất của loãng xương là gãy xương. Thống kê cho thấy tỷ lệ gãy xương do loãng xương hàng năm lớn hơn tổng cả 3 bệnh nguy hiểm nhất ở phụ nữ là ung thư vú, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Gãy xương do loãng xương thường gặp ở các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống thắt lưng và cổ xương đùi.

“Hậu quả của gãy cổ xương đùi làm 20% bệnh nhân tử vong trong năm đầu tiên, 30% người bệnh tàn phế hoàn toàn, 40% phụ thuộc vào người khác và 80% người bệnh không thể tái hòa nhập với cộng đồng”- bác sĩ Thư cảnh báo.

Việc nằm tại chỗ dài ngày khi gãy xương không những làm tình trạng loãng xương càng nặng lên mà còn kéo theo nhiều nguy cơ rất bất lợi cho sức khỏe người có tuổi, như: bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các điểm tỳ đè...

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Một khi đã bị loãng xương thì rất khó có thể chữa trị vì vậy theo các bác sĩ việc phòng ngừa là chủ yếu. Hiệu quả nhất, kinh tế nhất là phòng bệnh, phòng bệnh từ khi còn nhỏ, từ khi còn trẻ, từ các thế hệ trước... để khối lượng khoáng chất đỉnh của bộ xương đạt con số cao nhất lúc tuổi trưởng thành, đồng thời duy trì một nếp sống và sinh hoạt lành mạnh, giảm tối đa các yếu tố nguy cơ của bệnh.

Nên duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng, hợp lý phù hợp với nhu cầu của cơ thể trong từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng thói quen sinh hoạt.

Bác sĩ Thư cho biết để phòng ngừa bệnh loãng xương cần cung cấp đầy đủ lượng can xi, vitamin D hằng ngày theo nhu cầu, tập thể dục thường xuyên, đồng thời tránh nguy cơ té ngã. Ngoài ra nên giữ cân nặng hợp lý, ngưng hút thuốc và giảm rượu bia.

Theo nghiên cứu, ở mỗi lứa tuổi thì nhu cầu lượng vitamin của cơ thể sẽ khác nhau.Ở lứa tuổi từ 10-18 tuổi cần 1.300 mg calcium mỗi ngày trong khi đó vitanmin D là 400 UI/ngày, hoặc từ 19-50 tuổi cần khoảng 1.000 calcimum/ngày...

Ở người có tuổi cần đặc biệt quan tâm đến các thành phần khoáng chất như canxi và protid trong khẩu phần ăn do khả năng ăn uống và hấp thu các chất dinh dưỡng và khoáng chất đều bị hạn chế. Cần duy trì một chế độ sinh hoạt đa dạng, năng động.

Việc vận động thường xuyên vừa có ích cho toàn cơ thể vừa tốt cho hệ thống xương cơ khớp, chống thoái hóa và chống loãng xương…

Một số thuốc nhằm ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương hay thuốc để kích thích hoạt động của các tế bào sinh xương sẽ được các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sau khi thăm khám cụ thể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG