Sơ kết 3 tháng lập đường dây nóng tại TPHCM:

Đừng để qua thời gian đường dây nóng lạnh tanh

TP - Ngoài phản ánh những tiêu cực trong đời sống như lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng trái phép, kinh doanh gây tiếng ồn, sản xuất gây ô nhiễm, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự…, nhiều người gọi vào đường dây nóng chỉ với mong muốn được gặp để trò chuyện, thậm chí mời Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tới nhà ăn cơm.

Chiều 6/7, Văn phòng UBND TPHCM tổ chức sơ kết 3 tháng triển khai đường dây nóng 08.88247247, tiếp nhận ý kiến phản ánh trực tiếp từ người dân.

Hiệu quả rõ rệt

Từ đầu năm đến nay, tuyến đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm (quận 1) được gắn biển cấm xe trên 9 chỗ dừng đỗ nên không còn tình trạng xe khách dừng đỗ bừa bãi, xe ôm, taxi chèo kéo khách gây mất trật tự, cản trở giao thông. Đây là kết quả sau khi người dân nhắn tin trực tiếp cho Bí thư Thành ủy và nhiều lần gọi đến đường dây nóng của UBND TPHCM và được xử lý.

Chiều 6/7, ông Nguyễn Văn Tuấn (57 tuổi, ngụ phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), cho biết tuy xe khách vẫn còn lén lút dừng đỗ nhưng không còn ngang nhiên như trước. Bến cóc không còn, các đối tượng xấu, côn đồ, nghiện hút cũng không còn tập trung. 

Tình trạng an ninh trật tự trong khu vực đã được cải thiện. “Người dân rất phấn khởi khi được lãnh đạo thành phố quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc ảnh hưởng đến đời sống. Gặp chuyện bức xúc, bất bình gì điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là gọi vào đường dây nóng để phản ánh”, ông Tuấn nói.

Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn qua khu vực bệnh viện Chợ Rẫy (phường 12, quận 5) cũng không còn tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng lề đường. Đại diện UBND quận 5 cho biết đây là tuyến đường mẫu nhưng nhiều năm nay bị hàng rong lấn chiếm, tình hình an ninh trật tự phức tạp. 

Vừa qua, lãnh đạo UBND quận sau khi nhận được yêu cầu từ đường dây nóng đã chỉ đạo UBND phường cử lực lượng thường xuyên túc trực tại các điểm nóng nên tình hình an ninh trật tự, nạn lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh đã giảm đáng kể. Hay như vụ dân gọi điện phản ánh hàng quán trên đường Hưng Phú, quận 8 mở nhạc rất to cả ngày lẫn đêm. Ngay sau đó, UBND quận 8 đã chỉ đạo kiểm tra, lập biên bản xử lý và các cơ sở này đã cam kết không tái phạm…  

Đừng để qua thời gian đường dây nóng lạnh tanh ảnh 1

Gắn biển cấm dừng đỗ xe trên đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm sau khi người dân nhắn tin đến số điện thoại nóng của Bí thư Thành ủy. Ảnh: Huy Thịnh.

Cầu nối giữa chính quyền với dân

Theo Văn phòng UBND thành phố, sau 3 tháng triển khai, tổng đài đã tiếp nhận hơn 13.320 thông tin phản ánh từ người dân, trung bình mỗi ngày có khoảng 150 phản ánh vào đường dây nóng.

Các thông tin nóng được phân chia 5 cấp độ. Tin cấp độ 1 có thể do điện thoại viên trực tiếp hướng dẫn, giải đáp (6.760 tin), cấp độ 2 là những vụ việc phát sinh trong đời sống người dân (4.980 tin), cấp độ 3 thuộc những nội dung thành phố đã có chỉ đạo, các đơn vị thực hiện chậm, chưa đạt hiệu quả (1.000 tin), cấp độ 4 là những phản ánh mà người dân muốn gặp trực tiếp lãnh đạo thành phố (350 tin) và cấp độ 5 là những hiến kế xây dựng thành phố của người dân (có 230 tin).

“Đừng để qua thời gian đường dây nóng lạnh tanh. Đường dây nóng phải như hơi thở, thức ăn hằng ngày của cán bộ công chức”. 

Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TPHCM

Về công tác xử lý, văn phòng tiếp dân đã chuyển 4.980 tin cấp độ 1, 2 đến Chủ tịch UBND các quận huyện, thủ trưởng các sở ngành để xử lý. Điện thoại viên cũng hướng dẫn 350 lượt người dân viết đơn trình bày nội dung cần thiết để được gặp trực tiếp các lãnh đạo Thành ủy và chính quyền. Ngoài ra, cả 230 hiến kế của người dân đều được đánh giá rất có giá trị, mang tính xây dựng cao.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, đường dây nóng ban đầu được Thành ủy lập ra theo chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, từ ngày 25/3 chuyển giao lại cho UBND thành phố quản lý. Do nhận thức ban đầu “đường dây nóng là của Bí thư Thăng”, nên việc người dân gọi đến yêu cầu đối thoại trực tiếp với lãnh đạo khá nhiều. 

“Việc triển khai đường dây nóng có ý nghĩa chính trị rất lớn, là cầu nối tạo sự gắn kết giữa người dân với chính quyền thành phố. Rất nhiều vấn đề bấy lâu nay người dân không có cơ hội lên tiếng, không biết kêu ở đâu, thì giờ đây bà con gửi gắm vào đường dây nóng. Qua kênh này, lãnh đạo thành phố hiểu dân nhiều hơn. Khi càng có nhiều thông tin gọi đến nghĩa là người ta đã tin mình”, ông Hoan nói.

Ông Hoan đề nghị các sở ban ngành, địa phương tập trung giải quyết các thông tin tồn đọng chưa xử lý, chưa phản hồi. Thành phố sẽ tổ chức kiểm tra một số đơn vị còn tồn đọng nhiều phản ánh từ đường dây nóng. Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, sắp tới Sở sẽ xây dựng, hoàn thiện phần mềm duy nhất, thông suốt từ người dân về Văn phòng UBND thành phố, sở ngành và địa phương nhằm vận hành đường dây nóng tốt hơn.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.