Dũng Cụt khởi nghiệp leo núi Cát Bà

Vịnh Lan Hạ hút khách leo núi khắp nơi trên thế giới nhờ cảnh đẹp và chất đá vôi có độ chịu lực lý tưởng. Ảnh: NVCC.
Vịnh Lan Hạ hút khách leo núi khắp nơi trên thế giới nhờ cảnh đẹp và chất đá vôi có độ chịu lực lý tưởng. Ảnh: NVCC.
TP - Dịch vụ leo núi dành cho du khách ưa thể thao mạo hiểm là điểm làm nên sự khác biệt của Cát Bà so với nhiều vùng biển ở Việt Nam. Hiện trên đảo có hai công ty cung cấp dịch vụ này, một trong đó là Cát Bà Climbing do người Việt sáng lập và điều hành. Khách nước ngoài biết đến ông chủ qua biệt danh Mr.Zoom. Còn bà con lối xóm đơn giản gọi là Dũng cụt.

Mất vài ngón tay với anh chả nhằm nhò gì. Nhiều khi anh chỉ cần một tay để leo. “Một tay nếu có kỹ thuật leo còn nhanh hơn hai tay,” anh cho hay. Phải nói ngay leo núi kiểu này không quan trọng chinh phục đỉnh cao. Nó không chỉ có tác dụng rèn luyện sức khỏe mà còn là một cách lý thú để thưởng thức cảnh vật bên những triền núi đá, nếu là núi trên biển như vịnh Lan Hạ thì càng tuyệt. Được biết vịnh Hạ Long cũng có sẵn những đường leo do vận động viên nước ngoài tự làm, tự leo.

“Việt Nam phong cảnh rất đẹp, nhất là núi,” Nguyễn Mạnh Dũng mở đầu câu chuyện. “Làm du lịch không cứ phải xây nhiều nhà tầng. Leo núi là loại hình du lịch sinh thái, không phải phá hoại môi trường. Cả thế giới đang phát triển môn này.” Anh kể, vào mùa cao điểm, du khách xếp hàng tới vùng biển Nam Thái Lan để leo núi. Các doanh nghiệp ở đây không chỉ được chính phủ hỗ trợ mà còn phối hợp cùng nhau thúc đẩy hình thức du lịch- thể thao này.

Dũng Cụt khởi nghiệp leo núi Cát Bà ảnh 1

Nguyễn Mạnh Dũng tại trụ sở Cát Bà Climbing. Ảnh: N.M.Hà.

Được biết Dũng là người Việt đầu tiên tự đứng ra mở công ty leo núi, tất nhiên bằng tiền túi. Đăng ký kinh doanh của anh ban đầu có cả dịch vụ lặn biển. Nhưng rất tiếc không còn san hô ở Cát Bà, theo Dũng do ô nhiễm và biến đổi khí hậu. “Mua mấy trục chiệu tiền thiết bị lặn nhưng lặn xuống chả có gì, đành vứt xó” anh cho hay. “Chục năm trước khi tôi còn lái tàu đưa khách đi thăm vịnh, san hô vẫn còn.”

Hiện Cát Bà Climbing đã mở khoảng 35 đường leo núi từ dễ (cho người mới chơi) đến khó (đòi hỏi chục năm tập luyện chuyên nghiệp) ở khu vực gọi là “Thung lũng bí ẩn” (Hidden Valley) trên đảo. Còn núi trên vịnh Lan Hạ nói chung không phải làm đường. Người chơi đơn giản tận dụng vách đá tự nhiên. Làm đường leo núi cũng chỉ là chọn vị trí để khoan bắt vít dài độ 10cm rồi gắn keo đặc dụng. Tuy nhiên thường xuyên phải kiểm tra để kịp thời tu sửa.

Dũng Cụt khởi nghiệp leo núi Cát Bà ảnh 2
 

Dũng khẳng định môn thể thao này không có gì nguy hiểm vì đã có HDV đi kèm, quan trọng là phải thắng được nỗi sợ độ cao. Với những người mới chơi, đã có HDV giữ dây an toàn ở dưới đất, nên nếu có trượt chân cũng chỉ rơi 10-20 phân là cùng. Còn nếu leo trên mặt nước, người mới chơi chỉ việc buông tay từ độ cao 2-3m để kết thúc hành trình. Dân chuyên nghiệp có thể leo cao tới 20m.

Dũng sinh ra trên đảo, bị mất 3 ngón tay do tai nạn hồi nhỏ. Điều này không ngăn cảnh anh trở thành thuyền trưởng, lái tàu du lịch. Năm 37 tuổi, khi đang làm chủ một nhà hàng, Dũng được mấy bạn nước ngoài đến Cát Bà dẫn đi leo núi. “Làm quần quật suốt ngày,” anh nhớ lại. “Khuya mới được ăn, xong ngủ luôn, béo phì. Sau mình cảm thấy kiếm tiền không phải là trên hết. Chuyển sang leo núi giảm được tầm 10 cân, chả phải tập môn gì.” Hiện cứ 2-3 ngày, anh lại đi leo trèo một cữ đã đời.

Dũng Cụt khởi nghiệp leo núi Cát Bà ảnh 3

Leo núi với Dũng vừa là đam mê vừa là cách rèn luyện thân thể.

Dũng bán nhà hàng, mở văn phòng leo núi 3 năm trước, khi tuổi chớm 40. Người bạn nước ngoài quay lại dạy anh cách làm đường leo núi. Hiện cơ sở của anh lúc nào cũng tấp nập dân chơi nước ngoài. Họ sẵn sàng làm HDV không công, chỉ cần được tạo điều kiện ăn ở và leo núi thoải mái. Các HDV này thường ở với anh 2-3 tháng rồi sau đó lại sang các nước khác tiếp tục leo núi. Một năm họ cày cuốc trong nước tầm 6 tháng, tiết kiệm tiền đủ để mua (hoặc thuê) thiết bị và thời gian còn lại đi khắp nơi leo núi. Dân leo núi sống tùng tiệm, ngủ giường tầng cũng xong. Tưởng chơi thể thao thì ăn khỏe, nhưng ngược lại. Thực tế là ăn chay, cơ dẻo và săn leo núi càng khỏe.  “Dân leo núi có tinh thần gần như võ đạo, không màng tiền bạc,” Dũng cho hay. “Họ sẵn sàng mang cả trí tuệ, kinh nghiệm đúc góp truyền lại hết cho mình, như người anh em.” Anh cũng sẵn sàng đối đãi họ trên tinh thần đó. Do vậy làm dịch vụ này, theo Dũng, tuy không thể phá sản nhưng cũng khó giàu. Chưa kể thường xuyên phải đầu tư thay mới trang thiết bị không hề rẻ.

Dũng Cụt khởi nghiệp leo núi Cát Bà ảnh 4

Các loại hình vận động thể thể thao trên vịnh Lan Hạ dễ hút khách nước ngoài Ảnh: N.M.Hà.

Dũng có nhiều ý tưởng phát triển leo núi ở Việt Nam. Anh dự tính sau này khi hoạt động có lãi sẽ đầu tư lắp các vách núi nhân tạo trong trường học trước mắt trên đảo cho học sinh luyện tập. Anh muốn hợp tác mở dịch vụ leo núi ở các nơi không riêng Cát Bà. Anh khuyến khích người dân trên đảo bằng cách cho họ sử dụng dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Khách trong nước cũng được giảm 10%, nhưng người Việt tìm đến vẫn không nhiều. Thực ra phí dịch vụ tính bằng đô cũng không phải là rẻ với những người chưa từng nếm mùi leo núi. Đúc kết của Dũng: “Người Việt mình nói chung không thích mạo hiểm, quen cưỡi ngựa xem hoa, đi đến đâu cũng chỉ ăn uống no say, đánh bài bạc… nói chung là chơi bời. Chả nghĩ đến kiếm tiền để đầu tư thiết bị, chơi thể thao. Nhưng lớp trẻ chắc sẽ khác…”

Ông chủ Cát Bà Climbing từng dành tâm huyết đào tạo đội ngũ HDV là người Việt nhưng rồi tất cả đều bỏ đi làm việc khác kiếm tiền nhanh hết, còn mỗi cháu ruột làm cùng cậu. Mới đây, hưởng ứng phát động của ngành thể thao, Dũng sẵn sàng bỏ tiền cho cháu sang Indonesia thi Olympic Leo núi Châu Á. Rất tiếc phút chót, người cháu lại bị tai nạn giao thông không tham gia được.

Tầm tháng Mười, khách Tây vào kỳ nghỉ đông, cơ sở của Dũng mới bắt đầu tấp nập. Anh cũng không đặt cược hoàn toàn vào Cát Bà Climbing, vẫn kinh doanh khách sạn, bán vé xe khách, cho thuê tàu… Để góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, anh và các tình nguyện viên của Cát Bà Climbing định kỳ tham gia vớt rác trên vịnh Lan Hạ. Từ khi có cầu nối Cát Bà với Cát Hải, du lịch trên đảo phát triển kiểu bùng nổ. Nhưng nép mình tại một con phố nhỏ, Cát Bà Climbing vẫn như còn đang chờ thời, đến khi nào người Việt quan tâm tới vận động và biết cách tận hưởng thiên nhiên theo kiểu tích cực hơn.

“Các bạn nước ngoài đến, mình cũng sẵn sàng hỗ trợ mọi cái theo tinh thần võ đạo. Muốn đi leo núi, mình sẵn sàng đi cùng. Muốn mà… không có tiền, mình vẫn cho ăn ở miễn phí. Đó chính là cách quảng bá cho hoạt động leo núi ở Cát Bà- không dùng tiền mà dùng tấm lòng.” 

Nguyễn Mạnh Dũng - sáng lập Cát Bà Climbing

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.