> Chuyển đổi bất thành chợ truyền thống thành trung tâm thương mại
Hậu quả nhãn tiền cho mong muốn nhanh chóng “hiện đại hóa”, “âu hóa” chợ Việt - một nét văn hóa có tự ngàn đời – là sự trống vắng như chùa Bà Đanh tại các TTTM trị giá hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, chợ cóc, chợ vỉa hè chẳng những không mất đi mà lại mọc lên như nấm khắp các ngõ ngách phố phường. Đơn giản vì cả ngàn người dân vốn đang quen đi chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam, chợ Mơ… thân quen, gần gũi bỗng chốc thấy xa lạ và bất tiện, ắt họ phải ra chợ cóc vỉa hè. Có cầu ắt có cung, TTTM vắng hoe còn chợ cóc lại phát triển rực rỡ.
Nghịch lý đắng lòng trên, thiết nghĩ là cái giá phải trả cho một khát vọng dẫu tốt đẹp nhưng quá duy ý chí : Thay đổi nhanh chóng bộ mặt thủ đô, hiện đại và văn minh, với hàng loạt các TTTM và siêu thị, giống như ở các nước phát triển.
Nhưng nếu ai đã từng sống tại các thành phố Âu, Mỹ cũng đều biết rằng, không phải lúc nào cũng vào TTTM hay siêu thị để mua sắm. Chính những cửa hàng nhỏ nơi góc phố, những quầy bán rau, thực phẩm hay hoa quả bày ngay trên thùng xe đậu trong khoảng sân nhỏ nơi chung cư…mới là nơi lui tới ưa thích của không ít người. Bởi chúng vừa tiện lợi, lại vừa rẻ.
Những thành phố hiện đại bậc nhất châu Âu như Berlin hay Paris vẫn luôn tồn tại những người kinh doanh nhỏ lẻ như thế, thậm chí chợ rau quả ở một góc phố Berlin vẫn họp vào sáng sớm để phục vụ các bà nội trợ. Chợ cá nổi tiếng ở Hamburg, chợ truyền thống họp giữa sân tòa thị chính cổ kính nơi thành Bonn (Đức) vẫn tồn tại cho tới bây giờ.
Vậy hà cớ gì Hà Nội của chúng ta lại muốn xóa đi những ngôi chợ truyền thống đã ăn vào tâm thức, vào văn hóa biết bao đời người Hà Nội? Mọi sự phát triển đều phải cần thời gian, đều phải trải qua những bước đi tuần tự của quy luật. Không thể nóng vội, cũng không thể vì một mục đích nào đó mà đốt cháy giai đoạn được.
Sẽ có tội với con cháu mai sau, nếu chúng ta làm mất đi những ngôi chợ truyền thống giữa lòng Hà Nội, mà ngược lại khi đi du lịch sang thủ đô của Đức hay Pháp chúng mới được tận thấy.