Lây nhiễm phức tạp
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Quảng Ninh và Hà Nội là hai vùng dịch ghi nhận số ca nhiễm đang tăng, trong khi số ca nhiễm tại Hải Dương giảm từng ngày. Ông Long nói rằng, virus lần này là một trong những biến thể SARS-CoV-2 ở Anh theo kết quả phân lập 11 mẫu ở miền Bắc và một mẫu ở TPHCM. “Đây là chủng có khả năng lây nhiễm rất cao, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn. Tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với trước nên trong thời gian ngắn đã lan rất nhanh”, ông cho biết. Tuy vậy, ông nhận định: “Ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh sẽ nhanh chóng được kiểm soát trong thời gian ngắn tới”. Riêng dịch ở Hà Nội có thể kéo dài hơn dự kiến vì lây nhiễm ở đây tương đối phức tạp, ông nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ. “Lần này, virus lây nhiễm chủ yếu qua không khí thay vì tiếp xúc gần như trước đây. Do đó, toàn bộ người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; khai báo y tế bắt buộc thay vì khuyến khích như trước đây”, ông Long nói, đồng thời đề xuất hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện trong không gian kín. Có thể tạm dừng một số lễ hội tập trung đông người không cần thiết. “Hải Dương có rất nhiều đám cưới là ổ dịch hay có trường hợp một xe chở 11 người thì 10 người bị nhiễm”, ông nói.
Từ thực tế làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo báo cáo, hết ngày 2/2 là xét nghiệm xong toàn bộ những người đến từ vùng dịch. “Chúng ta đừng lo ca bệnh nhiều, quan trọng nhất là theo dấu, truy vết. Chúng ta cảnh giác nhưng không được hoảng loạn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Từ 27/1 đến nay đã có 271 ca COVID-19 ở 10 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn. Ngành y tế đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vắc-xin cũng như có kế hoạch nhập khẩu vắc-xin để phục vụ tiêm chủng trên diện rộng. “Bộ Y tế xem xét sớm đưa vắc-xin tới người dân ngay trong quý I này một cách phù hợp với điều kiện Việt Nam”, Thủ tướng yêu cầu.
Nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ thứ hai
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần tận dụng thời cơ, tạo ra môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là các tập đoàn công nghệ như Foxconn, kể cả mở rộng quy mô đầu tư như Intel, Samsung… Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy cởi mở hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam. Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để xây dựng, sớm ban hành chương trình hành động của Chính phủ. “Trong bối cảnh, tình hình mới, chúng ta cần quán triệt tinh thần đổi mới tư duy phát triển, cách nghĩ, cách làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước vững bước đi lên, sớm hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội XIII đề ra”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bộ KH&ĐT cùng với Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB-XH cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2.
Ai sẽ được tiêm vắc-xin đầu tiên? “Bộ Y tế đã ký nguyên tắc với công ty của Anh để mua vắc-xin phòng ngừa COVID-19. Theo đó năm 2021, đối tác sẽ cung cấp 30 triệu liều cho Việt Nam. Nếu có sẽ tiêm cho các đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Qua kênh hợp tác quốc tế, Bộ Y tế cố gắng để có vắc-xin sớm nhất. Bộ cũng đang đàm phán để mua vắc-xin từ Mỹ, Nga, Trung Quốc” - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (nói tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/2).