Châu Âu lục đục vì tranh mua vắc-xin

Châu Âu lục đục vì tranh mua vắc-xin
TP - Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên toàn khối của EU đang xảy ra nhiều trục trặc, gây mâu thuẫn ngoại giao giữa các nước làng giềng đến mức Brussels cân nhắc áp lệnh hạn chế xuất khẩu vắc-xin.

Pháp, Đức và Bỉ vừa dọa sẽ kiện AstraZeneca vì hãng dược của Anh không thể giao vắc-xin đúng thời hạn. AstraZeneca gần đây thông báo với Ủy ban châu Âu rằng họ sẽ chỉ có thể giao 25% trong tổng số 100 triệu liều vắc-xin dự kiến trong quý 1 năm nay. Trong khi đó, AstraZeneca bảo đảm với chính phủ Anh rằng họ sẽ giao hàng đúng hạn. Điều đó khiến giới chức EU giận dữ vì cho rằng hãng dược này thiên vị London.

Trong bối cảnh đó, một cuộc kiểm tra xác nhận công ty này đang bị thiếu nguyên liệu sản xuất tại nhà máy ở Bỉ, báo Anh The Guardian đưa tin. Hôm 1/1, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết cuộc kiểm tra tại nhà máy sản xuất của AstraZeneca ở  Seneffe (gần Brussels) xác nhận công ty này đang gặp một số vấn đề trong sản xuất. Tuy nhiên, ông cho biết cuộc điều tra đang được tiếp tục để bảo đảm rằng những vấn đề như thiếu nguyên liệu không phải là do AstraZeneca ưu tiên cho đơn hàng 100 triệu liều vắc-xin của Anh. Ông De Croo nói rằng hệ thống hạn chế xuất khẩu có thể được áp dụng để đối phó nếu đúng là AstraZeneca ưu tiên cho Anh.

Tối 1/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen thông báo hãng AstraZeneca đã đồng ý cung cấp thêm 9 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho khối vào tháng 3 tới. Khi đó, EU sẽ nhận được 40 triệu liều trong tổng số 100 triệu liều đặt mua. Ủy ban châu Âu ban đầu đặt mua tất cả 400 triệu liều vắc-xin mà AstraZeneca hợp tác với ĐH Oxford sản xuất.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp Clement Beaune cảnh báo sẽ trừng phạt nếu phát hiện ra AstraZeneca ưu tiên cung cấp vắc-xin cho Anh. “Các hợp đồng của chúng tôi cần được tôn trọng. Tôn trong hợp đồng không phải cam kết về đạo đức mà là cam kết pháp lý”, ông nói.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nhắc lại cảnh báo này, nói rằng “nếu các công ty bị phát hiện không tôn trọng nghĩa vụ hợp đồng, chúng tôi sẽ quyết định hậu quả pháp lý”.

Trong phát biểu ngày 1/1, bà Von Der Leyen khẳng định châu Âu “không chạy đua” với bất kỳ ai trong tiêm chủng COVID-19, và bà đã có “cuộc nói chuyện rất tốt” với Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc phân phối vắc-xin.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý rằng vắc-xin của AstraZeneca “gần như không hiệu quả” với những người trên 65 tuổi, và phàn nàn rằng vắc-xin “không hoạt động theo cách chúng ta kỳ vọng”.

Ngoài AstraZeneca, Pfizer cũng đang gặp các vấn đề về sản xuất ở châu Âu vì nhà máy sản xuất ở Bỉ không thể giao hàng đúng cam kết. Pfizer hứa sẽ giao 600 triệu liều vắc-xin trong năm 2021.

MỚI - NÓNG