Đua thuyền trên quê hương Đại tướng

Đua thuyền trên quê hương Đại tướng
TP - Với người dân Lệ Thủy, Quảng Bình - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nếu phải đi làm ăn xa, Tết Nguyên đán có thể không về nhưng Tết Độc lập thì nhất định phải đoàn viên. Bởi ngày đó, sông Kiến Giang náo nức lễ hội đua thuyền.

> Nô nức lễ hội đua thuyền truyền thống

Đại tướng cổ vũ cho các đội đua năm 1999
Đại tướng cổ vũ cho các đội đua năm 1999.

Tưng bừng lễ hội đua bơi

“Dù ai đi Tây về Đông/ Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay...”.

Theo sách Ô châu cận lục, lễ hội đua, bơi trên sông Kiến Giang được hình thành cách đây 600 năm.

“Vào một đêm u tịch mênh mang của cái “ngày xửa ngày xưa” ấy, vị Thành hoàng khai khẩn vùng đất Lệ Thủy nằm chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo: Muốn mưa thuận gió hòa thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có lễ hội đua thuyền để cầu đảo, để khai thông sông rạch. Tâm nguyện của người dân sẽ được trời đất chứng giám mà phù hộ, độ trì”.

Năm 1999, nhân dịp vào dự kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng Huế, trên đường ra Hà Nội, Đại tướng đã về thăm quê. Mặc dù chưa đến ngày 2-9, nhưng biết Đại tướng thích xem nên nhân dân Lệ Thủy đã tổ chức đua bơi. Hôm ấy Đại tướng ngủ lại nhà. Mặc dù thức rất khuya để nói chuyện với bạn bè thân hữu, nhưng sáng hôm sau Đại tướng thức dậy rất sớm để hòa mình vào dòng người đi xem lễ hội đua thuyền.

Từ đó hằng năm cứ mỗi độ xuân về, sông Kiến Giang lại dậy sóng trong lễ hội đua thuyền nhằm gửi gắm với trời đất khát vọng thái bình yên ấm.

Đến năm 1946, con dân Lệ Thủy đã xin với trời đất chuyển lễ hội đua bơi truyền thống vào mùa xuân sang ngày 2-9 để mừng Tết Độc lập.

Về Lệ Thủy những ngày vừa rồi mới thấy hết sự náo nức của người dân với lễ hội đua thuyền truyền thống.

Trước hội cả tháng, thôn nào, làng nào cũng tập trung chuẩn bị, sắm sanh tu sửa đò bơi, thuyền đua, tuyển chọn trai bơi, gái đua.

Việc đóng thuyền luôn được chăm chút công phu dưới bàn tay những nghệ nhân tâm huyết. Những thân gỗ (huỵnh, dổi) dài 20-30m, được cưa xẻ theo thước tấc nghiêm ngặt, cộng với những bí truyền ngàn đời để hình thành nên chiếc thuyền đua bơi.

Thuyền đua bơi phải nổi vừa phải trên mặt nước, không được chờm sóng mà phải lầm lũi lao về phía trước như kình ngư.

Trai bơi, gái đua là những thanh niên dạn dày sông nước. Họ chỉ được ăn cơm rang giòn trước khi xuống thuyền để đủ dẻo dai đưa thuyền về đích. Mỗi cuộc đua bơi thường có 12-15 cặp. Trai bơi dùng mái chầm, nữ đua dùng mái chèo, đoạn đường bơi dài từ 25-30km.

Trong ngày lễ hội, dòng Kiến Giang như một rừng hoa. Hàng ngàn thuyền lớn nhỏ được trang trí bắt mắt, căng đầy băng rôn, biểu ngữ và không thuyền nào là không có vài ba chiếc trống, mõ làm từ gốc tre để cổ vũ. Người từ khắp các huyện trong tỉnh cũng đổ về đây từ lúc 3-4 giờ sáng để hưởng cái không khí náo nức.

Tiếng súng hiệu vang lên. Những mái chầm, mái chèo khua lên tung bọt trắng xóa. Trên bờ, hàng trăm ngàn người reo hò vang dội một vùng. Con đường hai bên bờ sông Kiến Giang ken đặc người xe, chạy dọc theo hướng thuyền đua để cổ vũ.

Phần thưởng giá trị vật chất đưa về cho các đội không lớn. Những thứ bậc được xướng danh mới thật sự là niềm tự hào của những làng có đò bơi nam, thuyền đua nữ được giải. Dù thắng, dù thua, làng nào cũng tổ chức liên hoan ăn mừng và chiếc thuyền được nâng niu, cất giữ như báu vật, đợi mùa lễ hội sau.

Năm 2006, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được UBND tỉnh Quảng Bình nâng cấp thành lễ hội văn hóa của tỉnh.

Đò của làng An Xá miềng mô hè?

Ngôi nhà thời thơ ấu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm bên bờ Kiến Giang thường nhộn nhịp hơn trong những ngày này.

Không chỉ con em Lệ Thủy, mà cả những du khách khắp nơi về xem lễ hội đua bơi đều tranh thủ ghé thăm ngôi nhà, nơi Đại tướng từng sinh sống.

Giây phút yên bình của Đại tướng bên thềm ngôi nhà tuổi thơ
Giây phút yên bình của Đại tướng bên thềm ngôi nhà tuổi thơ .

Ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông, người trông coi ngôi nhà của Đại tướng cho biết, vào những dịp lễ, tết như thế này, ngôi nhà của Đại tướng đông nghịt người đến thăm. Bao giờ họ cũng hỏi về sức khỏe của Đại tướng, xuất xứ và ý nghĩa những kỷ vật được lưu giữ ở đây.

Ông Hàm cho biết, Đại tướng luôn quan tâm đến quê hương Lệ Thủy, nhất là lễ hội đua bơi truyền thống. Sau mỗi đợt đua bơi, bao giờ Đại tướng cũng hỏi làng An Xá của mình thứ hạng bao nhiêu. Đại tướng vẫn thường gửi quà mừng mỗi khi đội đua bơi của làng giành giải cao.

Dòng Kiến Giang rực rỡ mừng Tết Độc lập
Dòng Kiến Giang rực rỡ mừng Tết Độc lập.

Năm nay, đội đua của làng An Xá giải nhất. Như vậy, đã 4 năm liên tiếp, làng An Xá đứng ở vị trí quán quân.

Ông Hàm nói, ngoài việc người làng giữ được bí kíp đóng thuyền thì truyền thuyết về “Bà Lỗ” cũng là động lực tinh thần để làng An Xá luôn giành giải cao.

Truyền thuyết kể rằng, từ những ngày khai sơn lập ấp, đội đua thuyền của làng An Xá luôn ở thứ hạng kém. Một lần chuẩn bị vào đua, xuất hiện một người phụ nữ đến nói với các trai bơi: “Ngày mai các trai cứ cố gắng bơi, đừng để ý xung quanh dù có chuyện gì xảy ra”.

Vào hội, làng An Xá vẫn ì ạch bám đuôi những đội khác. Đến đoạn nước rút, bất ngờ xuất hiện một người phụ nữ mình trần trùng trục bơi ra giữa dòng nước cổ vũ.

Những đội đua khác thấy lạ, mất tập trung, buông tay chèo, còn đội của làng An Xá được dặn trước nên tập trung bơi và giành giải nhất.

Từ đó, đội đua thuyền An Xá luôn giành giải cao trong các cuộc thi, còn người phụ nữ kia thì không thấy xuất hiện nữa, cũng không ai biết bà là ai.

Người làng An Xá đã xây miếu thờ bà ngay cuối làng và đặt tên là miếu bà Lỗ (bà ở truồng). Hằng năm trước giờ xuống thuyền đi thi, các trai bơi của làng An Xá lại vào miếu của bà Lỗ thắp hương xin phù hộ, độ trì.

Năm 1999, nhân dịp vào dự kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng Huế, trên đường ra Hà Nội, Đại tướng đã về thăm quê.

Mặc dù chưa đến ngày 2-9, nhưng biết Đại tướng thích xem nên nhân dân Lệ Thủy đã tổ chức đua bơi. Hôm ấy Đại tướng ngủ lại nhà. Mặc dù thức rất khuya để nói chuyện với bạn bè thân hữu, nhưng sáng hôm sau Đại tướng thức dậy rất sớm để hòa mình vào dòng người đi xem lễ hội đua thuyền.

Đại tướng đứng trên một con thuyền ra giữa dòng Kiến Giang để cổ vũ cho các đội đua. Bất ngờ Đại tướng hỏi bằng chất giọng đặc sệt Lệ Thủy: “Đò của làng An Xá miềng (mình) mô hè?”. Khi được mọi người chỉ cho, Đại tướng đã vẫy tay cổ vũ rất nhiệt tình. Gương mặt của Đại tướng tràn đầy niềm vui.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.