Đưa nghệ thuật sân khấu dân tộc vào trường học

GS.TS Chua Soo Pong mô tả động tác dứt khoát trong nghệ tuồng của Việt Nam mà ông rất thích. Ảnh: Thanh Trần.
GS.TS Chua Soo Pong mô tả động tác dứt khoát trong nghệ tuồng của Việt Nam mà ông rất thích. Ảnh: Thanh Trần.
TP - GS.TS, đạo diễn sân khấu Chua Soo Pong (quốc tịch Singapore), thành viên Hiệp hội Sân khấu Thế giới, đề xuất như vậy trong buổi tọa đàm về kinh nghiệm giữ gìn, phát triển nghệ thuật sân khấu dân tộc, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức mới đây tại Đà Nẵng.

Theo GS.TS Chua Soo Pong, mỗi đất nước có một loại hình nghệ thuật sân khấu khác nhau, mang một nét văn hóa riêng, nhưng đa số bị mai một dần, và hầu hết các nước đều chọn cách níu giữ bằng cách đưa nghệ thuật sân khấu dân tộc đến với giới trẻ, cụ thể là vào tận trường học. Ông dẫn chứng: Ở Malaysia có nghệ thuật Mak Yong với truyền thống gần 300 năm, thường được biểu diễn ở các làng quê để cầu mưa thuận gió hòa, qua khỏi bệnh tật. Đến những năm 1970, rất ít người được nhìn thấy loại hình này. Chính phủ Malaysia đã quyết tâm bảo tồn bằng cách tìm tới các ngôi làng và mời tất cả nghệ sĩ Mak Yong đến các trường đại học để nói chuyện với sinh viên về loại hình nghệ thuật này. Bằng cách làm ấy, Mak Yong tồn tại đến được ngày hôm nay, và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2003. Hay kịch múa Wayang Wong ở Indonesia với lịch sử 900 năm cũng được bảo tồn khi đất nước này có tới 8 trường đào tạo, trẻ em từ 6 tuổi trở lên có thể theo học. Ngoài ra, mỗi tuần, các nghệ sĩ đều đến trường 2 buổi để dạy cho học sinh về cách biểu diễn,  động tác, di chuyển, hóa trang… Sau 9 tháng,  học sinh hoàn toàn có thể ra ngoài biểu diễn trên những sân khấu lớn.

“Phải thu hút giới trẻ, tạo cho họ được niềm đam mê với nghệ thuật sân khấu dân tộc thì mới gìn giữ và phát triển được”, ông nói.  Theo ông, để lớp trẻ yêu thích nghệ thuật truyền thống, các nước phải mạnh dạn tổ chức chương trình mà chỉ có người trẻ tuổi biểu diễn, viết thêm nhiều tác phẩm mới trong mỗi loại hình nghệ thuật để tránh sự nhàm chán, rập khuôn. Đồng thời xuất bản các loại sách về sân khấu dân tộc dành cho trẻ em.

Riêng ở Việt Nam, sau khi dự Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ, ông cảm thấy rất vui khi có nhiều nghệ sĩ trẻ biểu diễn và khán giả trẻ tuổi đến xem. Với tuồng, cần viết thêm nhiều câu chuyện mới với các vai diễn mới, và tổ chức thêm nhiều chương trình biểu diễn cho trẻ em, để các em từ từ nắm bắt, thuần thục mà đi đến đỉnh cao, ông nói.

Nhạc sĩ Trần Hồng cho biết: “Những năm gần đây, Đà Nẵng đã đưa tuồng vào dạy cho học sinh một số trường THCS trên địa bàn vào dịp hè. Được các nghệ sĩ kèm cặp các em tiếp thu rất nhanh, biểu diễn tốt nhưng bắt đầu vào năm học mới thì tất cả quay về học văn hóa, quên hết những kiến thức, kĩ năng, nghệ thuật cơ bản trong tuồng. Và cũng không có trường hợp nào đăng kí tiếp tục học. Nếu cứ đào tạo theo cách này thì kết quả sẽ không đến đâu. Cần phải đầu tư hơn nữa, tập trung đào tạo để các em vừa học được văn hóa, vừa đảm bảo thời gian theo nghệ thuật tuồng, khi chọn lọc được những em có khả năng sẽ đào tạo sâu hơn để làm hạt giống cho nghệ thuật sân khấu tuồng”.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.