Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y: Đã đến lúc Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế cần đưa ra bộ tiêu chuẩn chung

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Vấn đề cốt lõi của cuộc tranh luận không phải là lựa chọn môn Văn hay không. Ở đây về góc độ chính sách chúng ta chưa tạo được một nền tảng pháp lý vững chắc cho quá trình thực thi tự chủ giáo dục đại học. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế nên ngồi với nhau để đưa ra các tiêu chuẩn chung đối với ngành đặc thù này”- nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền nêu quan điểm.

Lâu nay, ngành Y thường chỉ tuyển sinh theo tổ hợp B00 gồm môn Toán, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm 2023, một số trường đại học đào tạo ngành Y lại sử dụng tổ hợp có môn Văn hoặc không có môn Sinh để xét tuyển đầu vào gây nhiều ý kiến trái chiều.

Việc một số trường đại học tư thục xét tuyển đầu vào ngành Y khoa bằng môn Ngữ Văn đang làm xã hội vô cùng băn khoăn liệu các nhân viên ngành Y tương lai có thực sự làm việc được không?

Chia sẻ góc nhìn của mình, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, tuyển sinh đầu vào đại học hàng năm ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia khu vực châu Á nói chung luôn được sự quan tâm đặc biệt của xã hội.

Theo ông Hiền, sở dĩ như vậy là do sự ảnh hưởng truyền thống khoa cử của Nho giáo, xem bằng cấp là thước đo cho sự thành đạt của cá nhân trong xã hội cho nên nó đã tạo ra những tranh luận không đáng có cho cá nhân người học nói riêng và xã hội nói chung.

Quay lại câu chuyện tuyển sinh ngành y ở Việt Nam, ông Hiền cho rằng, vấn đề cốt lõi của cuộc tranh luận không phải là lựa chọn môn Văn hay không.

Theo ông Hiền, ở đây điều cần bàn là về góc độ chính sách chúng ta chưa tạo được một nền tảng pháp lý vững chắc cho quá trình thực thi tự chủ giáo dục đại học. Hay nói cách khác nó chưa đảm bảo được mục tiêu cốt lõi của một chính sách giáo dục khi thực thi. Đó là phải đảm bảo tính nhất quán, thống nhất, tính hệ thống , có như tính khoa học và thực tiễn của nó. Nếu không mô hình tự chủ sẽ dễ biến tưởng thành mô hình tự tung, tự tác. Ai mạnh gì làm đó, dẫn tới nguy cơ làm méo mó hệ thống giáo dục đại học.

“Vì nếu như theo cách tự chủ hiện nay trường này đề xuất môn đưa môn Văn vào xét vì lý do nhân văn thì trường khác cũng có thể đưa môn giáo dục công dân vào xét tuyển ngành y vì lý do môn học này mới đánh giá đúng đạo đức của một cá nhân. Thậm chí sẽ có trường đưa cả môn giáo dục thể chất vào để xét tuyển vì cho rằng bác sỹ là nghề áp lực đòi hỏi họ cần có thể lực tốt”- ông Hiền nói.

Cho nên, theo nhà nghiên cứu này, gốc rễ của vấn đề ở đây là vai trò quản lý của Bộ chủ quản với tư cách là những người xây dựng và ban hành chính sách. Đối với mọi chính sách giáo dục cần phải hướng tới mục tiêu tối thượng đảm bảo quyền lợi của người học làm đầu, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng cho mọi người học ở mọi thành phần khác nhau trong xã hội. Tránh tối đa những xáo trộn không cần thiết cho xã hội.

Theo đó, ông Hiền cho rằng, Bộ GD&ĐT cần quy định chung về xét tuyển ở mỗi lĩnh vực để đảm bảo quyền lợi của người học cũng như tính nhất quán của chính sách. Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Y tế nên ngồi với nhau để đưa ra các tiêu chuẩn chung đối với ngành đặc thù này.

“Chúng ta dường như chưa xây dựng được các chính sách giáo dục sát với thực tiễn”

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, hiện nay nhiều trường đang đối mặt với nhiều thách thức mà thách thức lớn nhất đó là nhận thức một cách đúng đắn mô hình tự chủ đại học hiện nay mà chúng ta đang hướng tới.

Thực tế cho thấy quá trình thực thi mô hình tự chủ đại học ở nhiều nơi đang thực hiện theo một cách khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau.

Nguyên nhân có thể xảy ra ở 2 khía cạnh. Một là, có thể chính sách này thiếu tính nhất quán, chung chung, chưa làm rõ nội hàm của mô hình tự chủ đại học và thậm chí nhiều tiêu chí không sát thực trạng với hệ thống giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam. Hai là, năng lực nhận thức và khả năng thực thi chính sách của một số lãnh đạo các trường theo hướng ăn xổi ở thì. Tìm cách này cách kia để tuyển sinh được số lượng đông nhất mà không quan tâm đến chất lượng đầu vào. Thậm chí, tìm kẽ hở chính sách để lách luật tìm hướng lợi cho trường mình.

Ông Hiền cho rằng, nhìn ra các quốc gia phát triển khác như Mỹ hay Úc là những ví dụ. Hầu hết các trường đại học ở những quốc gia này đều nhất quán trong chính sách tuyển dụng học sinh và sinh viên. Vì vậy, các học sinh họ chỉ cần một bộ hồ sơ theo chuẩn chung và có thể nộp cho hàng trăm trường đại học có cùng ngành học mà học sinh muốn theo học.

“Ngoại trừ một số lĩnh vực đòi hỏi tính đặc thù riêng có thể có những điều kiện tuyển sinh ngoại lệ, nhưng nhìn chung hầu hết các trường đều nhất quán trong việc đưa ra các tiêu chí để chọn đầu vào phù hợp với lĩnh vực các trường đào tạo”- ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, ở các nước không có việc trường tư đưa ra tiêu chí lựa chọn sinh viên khác trường công trong cùng lĩnh vực đào tạo. Quá trình đổi mới luôn cần thời gian và thông qua thực tiễn các chính sách giáo dục sẽ được chỉnh sửa và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

“Tuy nhiên, để tránh những bất cập không đáng có thì đòi hỏi những nhà hoạch định và xây dựng chính sách cần có cái nhìn toàn diện, sát với thực tiễn, và quan trọng nhất mỗi chính sách cần phải đảm bảo tính hệ thống, nhất quán. Có thống nhất có như vậy quá trình thực thi chính sách ở các cơ sở mới đạt được hiệu quả tối ưu, không bị chồng chéo hay đối nghịch nhau như việc tuyển sinh ngành y”- ông Hiền nêu quan điểm.

Thêm nữa, theo nhà nghiên cứu này, các chính sách giáo dục cần phải hướng hệ thống giáo dục đại học tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, ngay trong việc tuyển sinh sinh viên phải làm thế nào tạo thuận tiện nhất cho không chỉ sinh viên Việt Nam mà cả sinh viên quốc dễ dàng tiếp cận và ứng tuyển vào các trường đại học uy tín ở Việt Nam.

Dịch giả nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền: chuyên ngành giáo dục tại Đại học Newcastle, Australia.

Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research, London.

Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) Thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia Thành viên hiệp hội giáo dục và đào tạo nghề Australia.

Dịch giả “ Túp lều Bác Tôm” bản dịch nguyên tác NXB Văn học Sách xuất bản : Lãnh đạo và quản lý nhà trường trong thế kỷ 21.

Công trình công bố quốc tế: History of Vietnamese Vocational Education and Training since 1954, NXB NOVA, USA The Development of Vietnamese Vocational Education and Training Models since 1954. NXB Francis & Taylor, London.

MỚI - NÓNG