Đưa hình ảnh Đoàn ra thế giới

Nguyên Bảo với bố mẹ nuôi người Nhật Bản.
Nguyên Bảo với bố mẹ nuôi người Nhật Bản.
TP - Được kết nạp Đảng năm 18 tuổi, Bùi Nguyên Bảo, hiện học Thạc sĩ tại Học viện Ngoại giao, báo cáo viên của Đoàn Khối các cơ quan T.Ư chia sẻ về hành trình làm đại diện thanh niên mang vấn đề chủ quyền lãnh thổ thảo luận với thanh niên quốc tế, mang hình ảnh Đoàn ra thế giới.

Bảo cho biết, đã tham gia chương trình giao lưu thanh niên ASEAN - Ấn Độ 2014 tại Ấn Độ; chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á JENESYS 2015 tại Nhật Bản và hội nghị hợp tác thanh niên Việt Nam - Lào - Campuchia 2014. Ngoài ra, Bảo tham gia một số sự kiện khác trong nước như các hội nghị tham vấn của UNICEF về di cư; tham gia một số chương trình giao lưu với các bạn sinh viên nước ngoài.

Được biết, Bảo đã từng tham dự nhiều chương trình, diễn đàn và hoạt động quốc tế, bạn đã chia sẻ những gì tại các chương trình nói trên?

Tùy theo từng chương trình mà tôi chọn các ưu tiên về nội dung khi giới thiệu về đất nước con người Việt Nam. Chẳng hạn trong chương trình giao lưu tại Nhật Bản, tôi đã in 100 postcard bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để gửi tặng bố mẹ nuôi, các quan chức và gia đình Nhật Bản. Hai nước có nhiều chia sẻ với nhau trong việc bảo vệ chủ quyền nên tôi nhận được sự đồng cảm rất dễ dàng. Khi đi Ấn Độ, tôi cũng dành thời gian để trao đổi nhiều nội dung về biển Đông với các bạn trong khu vực, đặc biệt là các bạn Philippines. Bên cạnh đó,  tôi cũng mang nhiều hình ảnh, slide thuyết minh về các hoạt động Đoàn và công trình phần việc thanh niên của tuổi trẻ Việt Nam như Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Trồng cây gây rừng, Hướng về biển đảo... để giới thiệu.

Các bạn thanh niên quốc tế tỏ ra rất thích thú với những thông tin đó. Chúng tôi đã trao đổi với nhau rất nhiều về những vấn đề có tính chất quốc tế cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội, Cộng đồng ASEAN. Các bạn nghe thông tin từ phía Việt Nam, tôi thì nghe thông tin về phía các bạn. Các bạn cũng tỏ ra ngưỡng mộ các hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam, trong đó có nhiều công trình phần việc có thể được coi là đặc sản của chúng ta như Mùa hè xanh, các phong trào thi đua yêu nước. Ngược lại, các bạn cũng giúp tôi hiểu biết thêm về việc chúng ta cần ứng dụng nhiều hơn các thành tựu của công nghệ và sự phát triển của truyền thông đại chúng, mạng xã hội phục vụ sự tiến bộ của thanh niên.

Luôn chia sẻ thông tin với bạn bè quốc tế

Bạn có lời khuyên gì cho những bạn trẻ khi tham gia các chương trình quốc tế để mang thông tin về Đoàn và các hoạt động của thanh niên Việt Nam ra thế giới?

Các bạn cần tìm hiểu kỹ những kỹ năng cơ bản về lễ tân, phục trang, ứng xử, văn hóa bản địa và ngôn ngữ để chúng ta không tạo ra những tình huống dở khóc dở cười. Tổ chức Đoàn có thể giúp đỡ các bạn vấn đề này. Đặc biệt, khi giới thiệu về Đoàn và các hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam trước tiên cần lồng ghép những vấn đề thời sự, những vấn đề mà giữa Việt Nam và nước bạn đang có nhiều tương đồng... rồi sau đó mới bắt đầu nói sang những vấn đề khác. Cần chuẩn bị hình ảnh, các bài báo, những số liệu chi tiết trên báo chí quốc tế để thông tin của mình có tính thuyết phục cao hơn.

Việc giới thiệu về Việt Nam và vấn đề chủ quyền biển đảo không chỉ nên được thực hiện trong quá trình diễn ra sự kiện mà cần tạo những mối quan hệ để sau khi trở về, vẫn tiếp tục chia sẻ thông tin với tư cách là bạn bè một cách chân thành.

Ba mong muốn của đảng viên trẻ

Bạn góp ý gì cho tổ chức Đoàn nhân 85 năm ngày thành lập? Đoàn cần đổi mới ra sao để tập hợp, thu hút đoàn viên thanh niên?

Nhờ quá trình rèn luyện ở Đoàn, Đội mà khi mới 18 tuổi tôi đã trở thành đảng viên. Khía cạnh cá nhân, tôi có ba mong muốn: Một là, Đoàn phải thực sự làm tốt công tác cán bộ. Tôi thấy hiện nay Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam vẫn còn chồng chéo, đội  ngũ cán bộ kiêm nhiệm quá nhiều. Từ thực tiễn của mình, tôi hiểu các bạn trẻ vẫn đang thiếu thốn những tổ chức mà ở đó các bạn được quan tâm, được bày tỏ ý kiến, được độc lập và được cống hiến sự sáng tạo. Rất cần những thủ lĩnh thanh niên các cấp hiểu được điều đó, có đủ tâm và tầm dẫn dắt và tập hợp thanh niên.

Hai là, Đoàn cần liên tục đổi mới hoạt động của mình thông qua việc lắng nghe suy nghĩ, sở thích, các mối quan tâm của đoàn viên thanh niên. Từ đó, xác định công cụ triển khai các hoạt động phù hợp như ứng dụng các thành tựu khoa học, mạng xã hội, công nghệ thông tin và truyền thống. Kể cả việc giáo dục tư tưởng chính trị cũng cần lồng ghép một cách thức thời, phù hợp.

Ba là, chủ động hơn nữa trong việc giúp đỡ thanh niên trong bối cảnh công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Tôi thấy kiến thức của thanh niên về các kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, trình độ ngoại ngữ, hiểu biết về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vẫn còn hạn chế.

MỚI - NÓNG