Đưa di sản vào trường học

“Giáo cụ” trong chương trình đưa học sinh tìm hiểu di sản Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyên Khánh.
“Giáo cụ” trong chương trình đưa học sinh tìm hiểu di sản Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tạo niềm vui, sự đam mê cho học sinh khi tham gia chương trình giáo dục di sản. Tọa đàm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức hôm 16/5.

Có gì hấp dẫn?

“Hoạt động thuyết minh lâu nay hạn chế vì chưa có bài thuyết minh riêng cho từng đối tượng. Mỗi năm Văn Miếu đón 300-400 đoàn các trường tham quan nhưng đi vài trăm em và nghe một bài thuyết minh chung, các em không có điều kiện tương tác và tiếp cận giá trị của di tích. Cũng có các cuộc thi tìm hiểu về Văn Miếu thu hút học sinh nhưng số lượng hạn chế nên sức lan tỏa có hạn”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu nói. Thời gian qua, Văn Miếu phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giá trị di sản văn hóa thiết kế một chương trình giáo dục di sản gắn kết với nhà trường.

Thạc sỹ Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuyết minh của Văn Miếu giải thích tiêu chí quan trọng khi xây dựng chương trình “tăng trải nghiệm tại di tích, tạo cho học sinh tính tích cực chủ động”. Cán bộ trung tâm trình bày hai mô hình thử nghiệm đối với học sinh lớp 1 trường Tiểu học Nghĩa Tân và lớp 4 trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, có tham khảo kinh nghiệm các bảo tàng thế giới. Với chương trình dành cho học sinh lớp 1, các chuyên gia còn tham khảo giáo viên để hiểu tâm lý và nhận thức của các em.

Học sinh lớp 1 chẳng hạn, tìm hiểu bức phù điêu Mãnh hổ hạ sơn ngay cổng vào Văn Miếu từ khi còn ở lớp, có hình dung nhất định, được kể chuyện, sáng tạo do cán bộ giáo dục và giáo viên thực hiện trong 70 phút. Học sinh chia nhóm từ trước để tiếp cận chương trình. Học sinh lớp 4 có Lớp học xưa tìm hiểu trang phục, sách bút và các kỳ thi cử ngày xưa. Sắp tới Văn Miếu đưa nhiều chủ đề phù hợp học sinh trung học và rộng hơn nữa.

Không dọa ma

“Xây dựng bài học về Văn Miếu với học sinh phải đầy đủ, trong đó phải có ý kiến của các nhà làm giáo dục để lựa chọn giá trị phù hợp. Người lớn thấy rất hay nhưng nếu không đúng phương pháp sẽ thành dọa ma trẻ con”, TS. Nguyễn Thành Nam, thành viên nhóm Cánh buồm nói.

PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Các bảo tàng thế giới chú trọng hướng học sinh tới trải nghiệm, hoạt động và kiến thức văn hóa nghệ thuật. Họ không để ý tới việc học sinh phải nắm bắt được điều gì”.

Bà dẫn ví dụ ở Thụy Điển, bảo tàng có chương trình kết hợp với trường để trải nghiệm hoạt động liên quan di sản, văn hóa nghệ thuật diễn ra trong bảo tàng và cả ngoài trời. Rất sinh động và dễ hiểu, chẳng hạn dạy học sinh cách nấu chín đồ ăn, đồ uống như người nguyên thủy, tự nhai que làm bút vẽ tranh trên nền đá trong hang động.

Phân nhỏ nhóm khi tham quan và trải nghiệm di tích là kinh nghiệm của trường Tiểu học Nghĩa Tân nhiều năm nay. Bà Trịnh Thị Chung Thủy, Phó Hiệu trưởng góp ý các BQL di tích nên chuẩn bị thông tin tham quan trước để nhà trường lựa chọn cho từng khối lớp. Việc thiết kế chương trình phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự hỗ trợ của phụ huynh cũng như giáo viên.

Ông Đặng Văn Biểu (Phó trưởng BQL di tích Hỏa Lò) cho rằng không nên trông chờ vào hiệu quả các bài viết thu hoạch sau khi tham quan, nên thay bằng các hoạt động bớt nhàm chán hơn như vẽ tranh. Cty Tùng Lâm (Yên Tử) thì kể về cách khai thác dịch vụ và kết nối học sinh với di sản Yên Tử: “Lúc đầu chúng tôi miễn phí cáp treo mùa hè, các thầy ở Thiền viện Trúc Lâm chiêu đãi bữa trưa cho học sinh mà không ai tham gia”. Sau này nhà tổ chức khôn khéo đưa học sinh tìm hiểu lịch sử trên đỉnh non thiêng bằng trò chơi, có hoạt động thể chất bên cạnh tìm hiểu lịch sử văn hóa.

Bà Yến, đại diện Trung tâm Di sản Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội đánh giá chương trình giáo dục di sản ở Văn Miếu khá bài bản và khoa học. Theo kinh nghiệm của Hoàng thành, ban đầu hoạt động không ổn định, tuy nhiên từ 2016 trở lại, chương trình Em là nhà khảo cổ quá tải vào chủ nhật, phải kéo thêm thứ bảy. Em là nhà khảo cổ dành cho học sinh lớp 4-5, trong khi Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long dành cho THCS. “Trước kia có đợt cả nghìn cháu đến một lúc chạy loanh quanh hết ngày và không tìm hiểu được gì. Các BQL cần kết hợp chặt chẽ với phòng giáo dục và nhà trường”, bà Yến nói. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giá trị di sản văn hóa cũng nói, giáo dục di sản rất khó khiến chúng ta nản, nhưng nếu không làm thì chẳng bao giờ tiến kịp thế giới.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng phải tìm ra triết lý giáo dục di sản cho học sinh-trước hết phải tạo sự say mê và mang niềm vui cho trẻ, xây dựng tinh thần ham học hỏi. “Triết lý giáo dục này góp phần xây dựng nhân cách, sau đó mới tính đến kiến thức hay trí tuệ. Nếu làm được điều này tôi tin không chỉ các trường tiểu học mà trung học lẫn đại học sẽ hưởng ứng”, PGS. Bài nói. Ông còn gợi ý Văn Miếu nên có những gói sản phẩm thu hút khách nước ngoài, người trưởng thành. Chẳng hạn có thể thêm không gian dạy và hướng dẫn viết thư pháp. Bà Phạm Thị Thanh Hường, chuyên gia Văn phòng UNESCO Hà Nội nhấn mạnh quan trọng nhất là “học để biết, để làm và để chung sống”.

MỚI - NÓNG