Du Tử Lê: Vội vã Khúc Thụy Du

Thi sĩ Du Tử Lê tại cuộc gặp gỡ duy nhất với độc giả hâm mộ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Thi sĩ Du Tử Lê tại cuộc gặp gỡ duy nhất với độc giả hâm mộ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
TP - Đúng như lời hẹn, thi sĩ đã trở về đất Mẹ sau nhiều năm xa cách. Có thể sánh cuộc trở về của Du Tử Lê trong thi ca được chào đón không kém gì sự trở về của Khánh Ly trong âm nhạc ở Hà Nội.

“Săn” Du Tử Lê không đến mức là “nhiệm vụ bất khả thi”  như dạo phóng viên ta “săn” ảnh “ông bà Smith” về Việt Nam nhận con nuôi. Nhưng cũng chẳng dễ dàng với những ai muốn có cuộc gặp độc quyền với cha đẻ “Khúc Thụy Du” bởi thời gian trở về của ông gấp gáp và bản thân ông cũng không có ý định “quảng cáo” mình.

Một cuộc gặp gỡ công khai duy nhất của Du Tử Lê với bạn bè và báo giới tại Hà Nội đã diễn ra vào tối thứ ba (3/6) vừa qua. Có một số giấy mời của Cty Truyền thông Liên Việt (đơn vị liên kết với NXB Hội nhà văn cho ra mắt cuốn thơ của Du Tử Lê: “Giỏ hoa thời mới lớn”) được chuyển tới những nhân vật VIP, còn  đa số được mời qua facebook hoặc râm ran truyền tai nhau. Đơn vị tổ chức cho phép vào cửa tự do, tuy nhiên địa điểm tổ chức sự kiện lại “ngầm” thông báo: Chỉ chứa được lượng người khiêm tốn.

Vẫn là tiếc nuối, khi một Du Tử Lê đầy sức hấp dẫn với độc giả, trở về nước sau nhiều năm xa quê, lại gặp gỡ người yêu mến mình ở tư gia kiêm gallery của hoạ sỹ Lê Thiết Cương (39A Lý Quốc Sư). Chính hoạ sỹ Cương cũng phải lên tiếng phân bua: Ngôi nhà không nhỏ nhưng với sự kiện này lại trở nên quá nhỏ. 

Thi sĩ hiền lành và vụng về

Nhiều năm nổi tiếng trong bóng tối, cuối cùng tập thơ của Du Tử Lê cũng được ra ngoài ánh sáng. Sự công khai tập thơ cũng mở màn cho sự được tự do yêu mến nhà thơ từng đứng ở “phía bên kia” cuộc chiến. Những năm tháng sống trên đất Mỹ,  được thi sĩ mô tả: “Đó là những ngày tháng bình lặng. 

Du Tử Lê: Vội vã Khúc Thụy Du ảnh 1

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cả bốn thành viên trong gia đình tôi, không một ai có khả năng giao tế, tiếp xúc tốt với xã hội bên ngoài vì… vụng về. Bởi thế, ngoài công việc mưu sinh thường nhật, tất cả phần còn lại của  sinh hoạt chúng tôi, gói gọn trong phạm vi gia đình”.

Sau nhiều năm sống một đời sống bình thường, thầm lặng nơi xứ người chẳng biết  sự hâm mộ của độc giả quê hương có phần nào làm Du Tử Lê “choáng”? Tại cuộc gặp gỡ ngắn, ông được tôn vinh như một “ngôi sao”.

Còn thi sĩ chỉ mỉm cười hiền lành, mắt nhìn xuống, mỗi khi người nổi tiếng trong nước phát biểu cảm nghĩ về ông và thơ ông. Thi sĩ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đã tìm được trong thơ Du Tử Lê những điều có khi khiến chính tác giả phải bất ngờ: Thơ Du Tử Lê có phong cách Thiền. Anh đọc lại những câu thơ của Du Tử Lê đã thuộc từ lâu, rồi bất thình lình quay sang liên tưởng với thơ của nhà viết kịch tên tuổi đã khuất: “Tôi bảo thôi chết rồi, tôi lại gặp đây bóng dáng Lưu Quang Vũ”. Anh tiếp tục ca ngợi: “Tôi đọc anh Lê và tôi thấy rất thú vị”.

Nguyễn Thụy Kha tỉ mẩn tìm ra những thi ảnh sáng tạo trong thơ Du Tử Lê: Nào mắt lá me, môi ô mai, môi đưa bão gió… để đi đến kết luận cũng bất ngờ: Tình yêu của anh nghiêng về Platon nhiều hơn. 

Tuy vậy, Nguyễn Thụy Kha cũng không quên dẫn chứng thơ Du Tử Lê đậm đà hồn Việt ở những ví von: Ngực hoa bưởi, miệng hoa cau… Sau cùng, thi sĩ kiêm nhạc sỹ đã đặt Du Tử Lê ngang với  nhà thơ Tạ Hữu Yên,   người có thơ được phổ nhạc thuộc hàng nhiều nhất Việt Nam.

Kế sau Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, phát biểu giản dị hơn: Ấn tượng anh Du Tử Lê để lại cho tôi là một người  dễ mến, khiêm tốn, nhã nhặn, là một tri thức lớn bởi tôi có cảm giác anh biết rất nhiều nhưng nói rất ít. 

Rồi Bằng Việt thật thà thú nhận: Nghe tên Du Tử Lê đã nhiều, đã lâu nhưng đọc Du Tử Lê thì rất ít, có thể nói là chưa đọc. Và hứa hẹn sẽ đọc tập thơ mới của Du Tử Lê ngấu nghiến trong ngày nay, ngày mai.

Trở về vì lời hứa với vợ

Nghe nói, ngoài sự tiếp đón nhiệt tình của Công ty truyền thông Liên Việt, họa sỹ Lê Thiết Cương… thì Du Tử Lê cũng được văn phòng Hội nhà Văn Việt Nam tiếp đón long trọng bằng một bữa ăn tối  ở một nhà hàng sang trọng, vắng mặt Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam. Tàn cuộc ẩm thực, vợ chồng Du Tử Lê không gói về khách sạn “cao lương mĩ vị” mà chỉ xin mang về… chiếc bánh chưng.

Nhà thơ Bằng Việt đã quyết tâm tổ chức bằng được một cuộc gặp khác với thi sĩ Du Tử Lê, để cho người xa quê thấy văn sĩ Hà thành biết chơi và chơi đẹp. Bằng Việt tìm đến tận nhà Dương Tường, mời Dương Tường tham gia, bởi Du Tử Lê và Dương Tường vốn yêu mến, trân trọng nhau từ trước. Nhưng ý định tốt đẹp đó bất thành, bởi Du Tử Lê bận việc gia đình và hôm sau ông đã vội vã rời Hà Nội. Việc “săn” cuộc gặp riêng với Du Tử Lê của nhiều phóng viên tại Hà Nội cũng thất bại.

Chẳng phải Du Tử Lê cố tình “làm cao” như “ngôi sao” giải trí, nghĩ như vậy rất oan cho một người lịch sự và hiền lành như ông. Tôi gọi điện cho Du Tử Lê mới hay: “Tôi trở về lần này vì muốn thực hiện lời hứa với chị (vợ thi sĩ - pv) đưa chị đến thắp hương trên mộ người thân. Bây giờ tôi đang ở nghĩa trang Văn Điển”. 

Du Tử Lê được yêu mến cũng nhờ thơ ông được phổ nhạc rất nhiều, hơn 300 bài. Trong đó có những nhạc phẩm đã trở nên quen thuộc: Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Quê hương là người đó, Người về như bụi, Trên ngọn tình sầu, Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời… đặc biệt là Khúc Thụy Du với lời ca ám ảnh: “Hãy nói về cuộc đời/Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/Về bên kia thế giới/Thụy ơi và tình ơi”.

MỚI - NÓNG