Dự thảo thi THPT quốc gia 2017: Loay hoay với bài thi tổng hợp

Dự thảo thi THPT quốc gia 2017: Loay hoay với bài thi tổng hợp
TP - Theo dự thảo thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ làm 5 bài thi, trong đó có 2 tổ hợp môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội bằng hình thức trắc nghiệm. Nhiều trường lo lắng, giáo viên, học sinh chưa có khái niệm làm bài thi tổng hợp, trong khi thời gian chỉ còn tính bằng tháng.

Chỉ nên thí điểm 30-40% trắc nghiệm

Cô Vũ Thị Hồng, giáo viên bộ môn Toán, Trường THPT Marie Curie Hà Nội cho rằng, thi trắc nghiệm môn Toán tưởng chừng như khách quan, công bằng hơn nhưng thí sinh dễ hỏi bài nhau hơn. Kể cả việc trong phòng thi có 24 thí sinh, có 24 đề thi khác nhau. Cô Hồng cho rằng, đề thi của mình lâu nay khác nhau nhưng bộ câu hỏi vẫn chỉ xáo trộn lẫn nhau. “Khi đi coi thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh, tôi từng chứng kiến học sinh vẫn liếc bài, hỏi bài lẫn nhau được. Giáo viên coi thi rất căng thẳng”, cô Hồng nói.

Theo cô Hồng, cơ sở vật chất, phòng thi của Việt Nam đang sơ sài, không có vách ngăn để phù hợp với thi trắc nghiệm. Chưa kể, phương pháp thi trắc nghiệm chỉ phù hợp với việc kiểm tra kiến thức cơ bản, khó có thể thực hiện được những bài đánh giá khó để phân loại học sinh. Cô Hồng kiến nghị, năm đầu tiên thực hiện, Bộ chỉ nên thí điểm khoảng 30-40% bài thi trắc nghiệm trong đề thi, không nên làm cả bài thi với 50 câu như dự kiến.

Một phụ huynh Trường THPT Liên Hà, Đông Anh (Hà Nội) viết trên diễn đàn cha mẹ học sinh trường rằng: “Lứa học sinh này lại làm những con chuột thí nghiệm vĩ đại cho hình thức thi mới, chưa kể năm nay lại thi vào tháng 6, nghĩa là thời gian học, ôn tập của thí sinh bị rút ngắn hơn”.

Theo phụ huynh này, thi trắc nghiệm giúp lượng kiến thức đưa vào bài thi nhiều hơn, đòi hỏi học sinh phải học nhiều hơn. Tuy nhiên, những môn như Toán thì không hiểu những câu khó để cho điểm 9, điểm 10 bộ sẽ thực hiện thế nào để phân loại học sinh giỏi.

Nguyễn Minh Hiếu, lớp 12 Chuyên Sinh, Trường THPT Chu Văn An, bày tỏ sự lo lắng khi kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới bất ngờ. “Quyết định vội vàng sẽ làm khó học sinh. Đặc biệt những bạn học chuyên, học lệch khối hai năm qua, thời điểm này sẽ rất khó khăn để học các môn khác từ đầu để thi”, Hiếu nói. Ngoài ra, theo Hiếu môn Toán, nếu làm trắc nghiệm sẽ khó cho việc tư duy, tính toán, nhất là thí sinh phải làm 50 câu trong thời gian chỉ 90 phút.

Lo ngân hàng đề thi chưa ổn

Ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội)  cho rằng, dự thảo thi THPT quốc gia 2017 lộ trình hơi gấp gáp. Theo ông Dũng, trong dạy học lâu nay mỗi giáo viên mới chỉ được đào tạo để dạy học một môn, chưa có giáo viên dạy học tích hợp liên môn. 

Chưa kể, đến thời điểm này đa số học sinh đã chọn học theo khối thi, chỉ còn khoảng 9 tháng học sinh phải học cùng lúc nhiều môn sẽ rất mệt mỏi. “Việc thi từ 4 môn lên thành 5 bài thi với 9 môn không làm giảm tải cho học hành, thi cử mà ngược lại học sinh phải chịu thêm nhiều áp lực”, ông Dũng nói.

Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Tây Ninh, ông Nguyễn Hữu Tài cho rằng, việc chuyển từ bài thi tự luận sang bài thi trắc nghiệm là bước đột phá để đảm bảo kỳ thi công bằng, khách quan. Tuy nhiên, theo ông Tài, việc quyết định thi theo tổ hợp sẽ giải quyết được vấn đề học lệch, học tủ hiện nay ở nhiều trường, đặc biệt là hệ thống trường chuyên và trường ngoài công lập.

Một cán bộ khảo thí khác bày tỏ sự lo lắng về ngân hàng đề thi hiện nay khó để tiến hành thi trắc nghiệm. Theo vị này, muốn làm trắc nghiệm cho hàng trăm nghìn học sinh phải có ngân hàng đề thi cực kỳ khổng lồ, chất lượng đề thi phải được đánh giá, thẩm định tránh đề khó, dễ khác nhau. “Trong khi đó, trên thực tế lâu nay các bài kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm của ta mới chỉ dừng lại ở mức đánh tráo các câu hỏi”, vị này nói.

MỚI - NÓNG