Dự thảo quy định chứng chỉ hành nghề của nhà giáo: Phản ứng trái chiều

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được đưa ra lấy ý kiến có 3 điều quy định về chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên. Điều đó có nghĩa, nếu quy định này được thông qua, lần đầu tiên yêu cầu bắt buộc nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề được luật hóa.
Dự thảo quy định chứng chỉ hành nghề của nhà giáo: Phản ứng trái chiều ảnh 1
Các giảng viên là bác sĩ giảng dạy ngành sức khỏe sẽ phải có đồng thời 2 chứng chỉ hành nghề. Ảnh: Nghiêm Huê

Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên được Bộ GD&ĐT đưa ra tại Điều 15, 16, 17 trong Dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo Luật). Trong đó, các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo gồm: nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu…

Dự thảo Luật cũng phân cấp rõ ràng chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên ĐH và CĐ sư phạm do các bộ, cơ quan ngang bộ cấp. Sở GD&ĐT cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục ĐH thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục nghề nghiệp) và giảng viên các trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh.

Thêm gánh nặng cho giáo viên?

Quy định chứng chỉ hành nghề của nhà giáo trong dự thảo Luật đang khiến nhiều người trong cuộc băn khoăn. Thầy Nguyễn Văn Phúc, giáo viên ở Hà Nội, cho biết khi đọc được thông tin này, ông thực sự hoang mang. Vì với gần 20 năm làm nghề giáo, ngoài tấm bằng ĐH sư phạm, có nhiều chứng chỉ ông phải học như: ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp giáo viên… kèm theo đó thời gian và tiền bạc.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, khẳng định, nếu chứng chỉ nghề nghiệp thực sự cần thiết để nâng cao chất lượng nhà giáo thì sẽ phải trả lời được hàng loạt câu hỏi kèm theo. Các nước có yêu cầu chứng chỉ hành nghề với giáo viên thường giao cho các hiệp hội nghề nghiệp giám sát và cấp chứng chỉ. TS Lâm cho rằng, cần hết sức thận trọng khi áp dụng chứng chỉ nghề nghiệp ở Việt Nam. Việc nâng cao chất lượng giáo viên là quan trọng, nhưng muốn vậy trước hết phải nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm. Nếu làm được như vậy thì việc giáo viên ra trường rồi lại phải làm thêm các thủ tục để được cấp chứng chỉ nghề nghiệp là không cần thiết.

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, cho rằng, quy định nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề không sai vì hiện nay nhiều ngành nghề cũng cần có chứng chỉ như luật, sức khỏe, thậm chí thẻ nhà báo của ngành báo chí cũng có thể được coi là một loại chứng chỉ hành nghề. Nhưng ông Tùng chỉ ra 2 vấn đề cần giải quyết khi ngành giáo dục muốn luật hóa điều này. Thứ nhất, cơ quan nào có đủ thẩm quyền để cấp? Trong dự thảo Luật, Bộ GD&ĐT có phân cấp quyền cấp chứng chỉ hành nghề nhưng nhìn vào đó có thể thấy đa dạng và chưa thực sự chuẩn. Ví dụ giao bộ, các cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề cho giảng viên ĐH, CĐ sư phạm. Vậy các cơ quan này dựa vào đâu để cấp khi bản thân họ không có chuyên môn để đánh giá năng lực nhà giáo? Ông Tùng đề xuất cần có một tổ chức độc lập, có chuyên môn để đánh giá và cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo. Thứ hai, khi có chứng chỉ hành nghề, nhà giáo có được giảm các loại chứng chỉ khác không. Hiện nay, giảng viên ĐH phải có chứng chỉ sư phạm mới được giảng dạy, kể cả các giáo sư. Nếu không giảm được các loại chứng chỉ giấy tờ thì việc quy định thêm chứng chỉ hành nghề thực sự sẽ tạo áp lực và gánh nặng cho giáo viên.

TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm, nếu yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề như một thủ tục hành chính để “hành” giáo viên thì ông sẽ phản đối đến cùng.

Nói về lí do đưa quy định nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề vào dự thảo Luật, ông Nguyễn Vinh Hiển, thành viên nhóm chuyên gia của dự thảo Luật Nhà giáo cho biết, về lí thuyết, trình độ đào tạo của một người không đồng nhất với năng lực, phẩm chất của chính họ. Vì vậy, hầu hết các ngành nghề đều yêu cầu người đã qua đào tạo vẫn phải trải qua thời gian tập sự để được đánh giá là có đủ tư cách làm việc theo ngành nghề đó. Dạy học là một nghề mang cả 2 đặc trưng là liên quan đến đánh giá phẩm giá con người và không thể quy định bằng những quy trình kĩ thuật cụ thể để có thể theo dõi, đánh giá chính xác.

“Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo, do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo để xác nhận họ đáp ứng đủ các yêu cầu hoạt động nghề nghiệp nhà giáo (giảng dạy, giáo dục), khắc phục được những bất cập nêu trên. Như vậy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo không mất gì, chỉ có được thêm”, ông Hiển nêu.

Ông Hiển nói rằng, quy định mới không làm phát sinh thủ tục hành chính, chỉ thay việc ra quyết định hết tập sự bằng việc lập danh sách đề nghị cơ quan quản lí quyết định và chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được cấp miễn phí, thay thế quyết định công nhận hết tập sự.

MỚI - NÓNG