Du lịch xoay xở trước bờ vực

Cơ hội nghỉ dưỡng du thuyền quốc tế hạng sang, giá ưu đãi cho người Việt
Cơ hội nghỉ dưỡng du thuyền quốc tế hạng sang, giá ưu đãi cho người Việt
TP - Chưa thể trông đợi vào nguồn khách quốc tế sớm trở lại trong năm tới, nhiều doanh nghiệp lữ hành buộc phải lựa chọn thích ứng để tồn tại, hoặc bước đến vực phá sản.

Hạ giá, bán tua trả góp

Mức thiệt hại ước tính tới nay mà ngành du lịch Việt Nam phải hứng chịu khoảng 23 tỷ USD. Khoảng 95% công ty lữ hành quốc tế đóng cửa sau hơn nửa năm loay hoay. Nguồn khách quốc tế không còn, các doanh nghiệp phải chật vật bươn chải cầm cự, hơn 90% lao động du lịch mất việc hoặc phải nghỉ việc.

Thời điểm Tết dương lịch, Nguyên đán cận kề lẽ thường là vào mùa cao điểm bán tua của nhiều doanh nghiệp lữ hành, tuy nhiên, thời điểm này, du khách đặt tua khá cầm chừng. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, nhận định các doanh nghiệp linh hoạt và có khả năng thích ứng cao thì sẽ tồn tại. Doanh nghiệp phải lưu tâm tới xu hướng khách đặt phòng muộn hơn, cần sự linh hoạt nhiều hơn và sử dụng nền tảng kỹ thuật số.

Trong khi nghỉ dưỡng biển ở miền nắng ấm như Phú Quốc đang vào mùa đẹp nhất, là điểm đến hút khách, thì du lịch biển phía Bắc gặp khó. Hàng loạt tàu, du thuyền nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ phải nằm bờ vì không đủ số khách tối thiểu để vận hành tua. Thời điểm này năm trước, dịch vụ này vẫn tới tấp khách quốc tế sử dụng. Vài ca bệnh COVID-19 được phát hiện gần đây tại TPHCM khiến hàng loạt tua nghỉ đêm trên vịnh bị hủy sát giờ khởi hành, do tâm lý lo lắng vì dịch bệnh tác động trực tiếp tới nhu cầu du lịch.

Đại diện tập đoàn Hương Hải (cung cấp dịch vụ tàu du lịch thăm vịnh Hạ Long) cho biết, ngay khi sau khi xác định thị trường khách nội địa là nguồn khách chính trong cả năm nay và cả năm sau, hãng đã tìm hiểu nhu cầu của khách du lịch Việt. Thực hiện khuyến cáo của Chính phủ để người Việt được hưởng thụ tua thường chỉ cho khách quốc tế, du thuyền Indochine chào gói sản phẩm mới hấp dẫn chỉ xấp xỉ 40-50% giá cũ và cam kết giữ nguyên giá trị, đồng thời triển khai hàng loạt quy trình an toàn phòng chống dịch bệnh trong quá trình phục vụ khách.

Đại dịch cũng là cơ hội để khách Việt được trải nghiệm dịch vụ du thuyền đẳng cấp với giá nội địa. Nắm bắt tâm lý lo ngại về kinh tế của du khách, đại diện Indochine cho biết, mới đề xuất gói ưu đãi dành cho khách nghỉ dưỡng trên tàu dịp nghỉ lễ cuối năm và dịp Tết âm lịch, có thể kết hợp với thủy phi cơ ngắm toàn cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao. Khách còn có thể trả góp tua với lãi suất 0% áp dụng cho mọi sản phẩm khuyến mại, kỳ hạn linh động.

Vừa làm vừa đợi

Chưa bao giờ nhiều doanh nghiệp phải tìm đường cầm cự sống sót bằng mọi giá như thời điểm này. Ông Lưu Đức Kế, Phó TGĐ Cty CP Truyền thông Du lịch Việt, Trưởng Ban đào tạo Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, thừa nhận, ban đầu, công ty tham gia bán khẩu trang bình ổn giá, rồi đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất khẩu trang. Doanh số chính do khách quốc tế mang lại, thế nhưng trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng phải thích ứng bằng cách chuyển hướng sang thị trường nội địa.

“Thị trường nội địa không thể thay thế thị trường khách quốc tế, nhưng chúng tôi cũng không thể bi quan và bó tay chịu hàng. Cộng đồng doanh nghiệp luôn phải giữ tinh thần động viên, khích lệ nhau chờ thời điểm khách quay trở lại”, ông Kế nói. Một trong những hướng đi mà đơn vị này và nhóm doanh nghiệp lữ hành khác lựa chọn là tạo thành nhóm bán sản phẩm chung, tìm hướng chăm sóc và tổ chức tua thuyết phục khách Việt chuyên đi nước ngoài chịu đi trong nước.

Doanh nghiệp lữ hành xoay sang giới thiệu một số tua mà trước đó người Việt ít có cơ hội đi, chẳng hạn tua du lịch Sơn Đoòng, xưa thường dành cho người nước ngoài, bán hết trước cả năm với điều kiện, đòi hỏi khắt khe. Các tua theo các mùa hoa vùng Tây Bắc, Tây Nguyên cũng dần hút khách Việt vì gần gũi thiên nhiên, ít lo ngại hơn về dịch bệnh. Đối với các tua nghỉ dưỡng biển, ông Kế chỉ ra rủi ro khi doanh nghiệp “ôm” vé giá rẻ, đặt phòng khách sạn để bán tua trọn gói hấp dẫn, nhưng lại đối mặt nguy cơ khách hủy tua khi có biến động về dịch bệnh.

Sau chuyến khảo sát nghỉ dưỡng đêm trên vịnh Lan Hạ mới đây, ông Chính nhận thấy, doanh nghiệp chưa thực sự nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền nghỉ đêm cho rằng phí các điểm tham quan được giảm, phí nghỉ đêm trên vịnh vẫn được giữ nguyên là chưa phù hợp trong bối cảnh hỗ trợ doanh nghiệp, du khách vượt khó. “Chính quyền các tỉnh cần tiến hành các chương trình khuyến mãi kích cầu dài hạn bao gồm giảm các loại phí tham quan. Đây chính là biện pháp thiết thực và hiệu quả để chung tay cùng doanh nghiệp đưa ra các gói kích cầu du lịch nội địa”, ông Chính nói.

Hội đồng Tư vấn Du lịch cũng nhiều lần kiến nghị hàng loạt giải pháp lên Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp như: có chính sách để bảo vệ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ và cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản vay vào năm 2021, giảm thuế cho doanh nghiệp du lịch trong năm 2020 và 2021, ưu tiên đầu tư nhanh vào hạ tầng, kết nối hạ tầng trên cơ sở huy động mạnh mẽ nguồn lực tư nhân...

Du lịch quốc tế dần nới lỏng

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) thông báo, đầu tháng này, 70% điểm đến du lịch toàn cầu nới lỏng hạn chế đi lại. Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho rằng, việc dỡ bỏ hạn chế đi lại là điều cần thiết để thúc đẩy sự phục hồi rộng hơn của ngành du lịch UNWTO khuyến khích các chính phủ đưa ra lời khuyên có trách nhiệm, dựa trên dữ liệu để dỡ bỏ hạn chế ngay khi an toàn. Tới nay, du lịch toàn cầu tổn thất 730 tỷ USD do đại dịch, nhiều hơn gấp 8 lần thiệt hại do khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2009.

Ông Lưu Đức Kế đề xuất Việt Nam có thể tham khảo cách làm của một số quốc gia khích lệ người dân du lịch. Một số nước như Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, Singapore... có chính sách hỗ trợ tiền cho người dân du lịch. Chính sách này cũng vấp phải ý kiến nhiều chiều, tuy nhiên, khi người dân du lịch sẽ kéo theo guồng máy du lịch khởi động trở lại. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.