Du lịch kiếm 45 tỷ USD trong 5 năm tới?

Du lịch Việt Nam dự kiến cán mốc đón 18 triệu khách quốc tế vào trong năm nay. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Du lịch Việt Nam dự kiến cán mốc đón 18 triệu khách quốc tế vào trong năm nay. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Du lịch Việt Nam mang về khoảng 27 tỷ USD năm ngoái. Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhắc mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp không khói có doanh thu 45 tỷ USD, hẳn là mục tiêu không dễ dàng.

BỐN BÀI TOÁN KHÓ

“Để Du lịch Việt Nam thực sự cất cánh” là chủ đề Diễn đàn du lịch cấp cao lần thứ hai năm 2019, mở ra các cuộc đối thoại công-tư nhằm phân tích thực trạng và tìm ra giải pháp phát triển du lịch, nhất là với tham vọng thu được 45 tỷ USD vào năm 2025 tương đương gấp đôi doanh thu ngành du lịch năm 2018. Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL thông báo tín hiệu thăng hạng của ngành du lịch: Xếp 63/140 quốc gia, sức cạnh tranh về giá tăng 13 điểm, hàng không tăng 11 điểm so với 2017. Đáng kể nhất tháng 11 du lịch đón 1,8 triệu khách quốc tế, gấp đôi năm 2016. Du lịch đang tự tin để cán mốc đón 18 triệu lượt khách quốc tế như mục tiêu Chính phủ giao.

Tín hiệu vui nhưng tồn tại và rào cản của ngành du lịch không ít. Nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh ở mức thấp: Nhân lực và thị trường tụt 10 bậc, hạ tầng du lịch và môi trường bền vững ở mức thấp nhất thế giới. Lãnh đạo Bộ VHTTDL thừa nhận một số điểm nghẽn chưa giải quyết được: Quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia còn hạn chế, hạ tầng sân bay quá tải, chính sách thị thực còn bất cập do thủ tục nhiêu khê, số lượng quốc gia miễn thị thực chưa nhiều như các quốc gia trong khu vực.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) nêu bốn bài toán được hàng trăm đại biểu chia nhóm thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn này: Tổ chức lại hoạt động quảng bá và truyền cảm hứng cho du khách; Cải thiện quá trình lập kế hoạch-đặt dịch vụ của du khách; Cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến; và Việt Nam làm gì để phát triển hàng không chắp cánh cho du lịch. Muốn du lịch Việt thực sự cất cánh, các nhà quản lý và doanh nghiệp không thể làm ngơ các vấn đề này.

LẠI CHUYỆN 2 TRIỆU USD

Du lịch kiếm 45 tỷ USD trong 5 năm tới? ảnh 1 Sản phẩm du lịch Việt Nam còn thiếu hấp dẫn, khó níu giữ du khách

Quảng bá và xúc tiến du lịch quốc gia luôn được xem là điểm nghẽn. Mức chi quảng bá khoảng 2 triệu USD cho hoạt động giới thiệu du lịch là sự nỗ lực chung của Đảng, Chính phủ dành cho lĩnh vực này, tuy nhiên chuyên gia vẫn nhiều lần than khó. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu: các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore lần lượt chi cho xúc tiến quảng bá là 86, 130 và 100 triệu USD. Không phải cứ chi mạnh tay là thu hút nhiều khách, tuy nhiên không mạnh chi khó có thể thực hiện các hoạt động thu hút khách.

Lâu nay du lịch Việt Nam luôn phải co kéo khoản tiền 2 triệu USD ngân sách cho cho quảng bá, xúc tiến du lịch theo kiểu “con nhà khó”. Quảng bá liệu cơm gắp mắm, nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra điều quan trọng là có tìm được ý tưởng hay để quảng bá hay chưa là câu chuyện khác. Bà Delilah Chan, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của kênh CNN góp ý, bên cạnh quảng bá cần xây dựng kênh tiếp nhận phản hồi từ du khách và doanh nghiệp làm du lịch để có cách xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan tới du khách.

Tổng cục Du lịch là đầu mối liên kết các kênh quảng bá, xúc tiến khác nhau, bởi nhiều địa phương và doanh nghiệp đủ tiềm lực cũng có cách quảng bá hiệu quả. Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, khi có sản phẩm du lịch tốt nhất định cần chiến lược quảng bá hiệu quả mới mong hút khách. Quảng Bình thành công trong vài năm qua nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Quảng Bình là tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, mời các hãng truyền thông lớn của quốc tế tới ghi hình.

Du lịch kiếm 45 tỷ USD trong 5 năm tới? ảnh 2

Du lịch Việt Nam dự kiến cán mốc đón 18 triệu khách quốc tế vào trong năm nay. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Vương quốc hang động Quảng Bình quả có lợi thế lớn trở thành bối cảnh và phim trường của điện ảnh trong và ngoài nước. Quảng Bình xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chất lượng như tour Sơn Đoòng, động Thiên Đường, hang Tú Làn. “Ngân sách không có nhiều nhưng chúng tôi phối hợp với nhiều kênh khác nhau, năm 2021 có hàng loạt phim Hollywood sẽ tới Quảng Bình quay phim như Nhiệm vụ bất khả thi”, ông Dũng khẳng định. Sau dự án Peter Pan của Hollywood, phim Việt Người bất tử của Victor Vũ, Quảng Bình sắp tới cũng đóng góp bối cảnh cho MV của DJ nổi tiếng Alan Walker.

ÐỂ KHÁCH QUAY LẠI

Lợi thế về danh lam thắng cảnh, tài nguyên văn hóa, con người thân thiện... là những yếu tố then chốt giúp du lịch Việt lôi cuốn bạn bè quốc tế. Thế nhưng hiện tượng khách “một đi không trở lại” không hiếm. Hiệp hội Du lịch Việt Nam thống kê khoảng 10-40% khách có nhu cầu trở lại Việt Nam sau lần đầu. Ông Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch TAB đồng tình quan điểm này, bởi du lịch Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng tỷ lệ khách đến Việt Nam nhưng quay trở lại Thái Lan lên tới 70%.

Đánh giá du lịch Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển, là động lực thúc đẩy nền kinh tế, tuy nhiên ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cảnh báo, thời gian qua lượng khách tăng trưởng nhanh nhưng không thể xem nhẹ giải pháp cải thiện trải nghiệm của du khách tại điểm đến, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cùng với mục tiêu tăng trưởng nhanh về số lượng khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần có giải pháp tăng cường trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến. Khách du lịch không hào hứng quay trở lại một phần không nhỏ do các địa phương, doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao trải nghiệm cho khách: Sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn còn lặp lại và thiếu gắn kết, thiếu hoạt động vui chơi giải trí và mua sắm.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đều và ở mức cao, tuy nhiên doanh thu du lịch chưa tương xứng. Khách quốc tế tới Việt Nam chi tiêu chưa nhiều, mới khoảng 900 USD cho chuyến đi 9 ngày. Ông Kenneth Atkinson đề xuất Việt Nam có thể cải thiện tỷ lệ khách quay lại cũng như tăng mức chi tiêu với loạt giải pháp như nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực trong gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không thậm chí nên mở đường bay thẳng tới châu Âu. Việc miễn visa cho du khách Anh và châu Âu từ năm 2016 giúp du lịch Việt Nam tăng doanh thu khoảng 150 triệu USD. 

 Để đạt được mức tăng doanh thu 45 tỷ USD vào năm 2025 không phải điều dễ dàng, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ. Đại diện Văn phòng Chính phủ cho hay sẽ báo cáo Chính phủ và kiến nghị giải pháp, đồng thời lựa chọn một số vấn đề ưu tiên để tăng cường hợp tác công-tư trong phát triển du lịch.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng giải đáp thắc mắc về Quỹ hỗ trợ du lịch, bởi dù được Chính phủ phê duyệt tuy nhiên tới nay chưa thể vận hành. Ông phân tích, Quỹ du lịch là sự ưu tiên của Chính phủ phát triển du lịch, tuy nhiên mô hình hoạt động mới và đặc thù theo cơ chế Cty TNHH một thành viên. Lãnh đạo Bộ cho biết năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành và tổ chức bộ máy của quỹ du lịch. Quỹ du lịch góp phần hỗ trợ các hoạt động về quảng bá, xúc tiến du lịch.

MỚI - NÓNG