Du lịch 'không chạm' sau đại dịch

Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn được tung ra dịp Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2020
Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn được tung ra dịp Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2020
TP - Sau ba lần hoãn tổ chức vì COVID-19, Hiệp hội Du lịch Việt Nam khởi động Hội chợ Du lịch Quốc tế-VITM Hà Nội 2020.

Hội chợ VITM Hà Nội 2020 diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội từ 18-21/11, thay vì thời điểm tháng 4 thường niên. Bối cảnh đại dịch không chỉ tác động tới thời gian và số lượng doanh nghiệp tham gia, BTC quyết định đổi tên chủ đề từ du lịch gắn với di sản sang chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”.

“Đại dịch COVID-19 khiến nhận thức và hoạt động xã hội thay đổi. Hoạt động số đông ở VITM vì thế phải giảm đi để đảm bảo an ninh an toàn cho du khách. Sau đại dịch, xu hướng du lịch không chạm (không gặp mặt, không nói chuyện) ngày càng gia tăng. Công nghệ cho phép chúng ta làm điều đó. Thế giới chuyển sang thời đại 4.0, ngành du lịch Việt Nam không thể ngồi yên. Ngay thời kỳ du lịch Việt Nam phát triển đỉnh cao nhất, chúng tôi rất lo lắng vì ngành chưa có kế hoạch chuyển đổi số mạnh mẽ”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.

Ban Tổ chức (BTC) khuyến khích các doanh nghiệp nêu sáng kiến trong quản lý và hoạt động gắn với chuyển đổi số trong du lịch. Trong hội chợ này, BTC mời và tập hợp nhiều doanh nghiệp công nghệ số trưng bày, giới thiệu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực du lịch. Không thể trì hoãn hội chợ lâu hơn nữa, Hiệp hội kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu của khách nội địa nhiều hơn trong khi vắng khách quốc tế. Doanh thu du lịch giảm gần 90%. BTC cũng lên phương án về quy trình đảm bảo an toàn trong mùa COVID-19 đối với khách tham quan hội chợ.

Ngành du lịch thế giới mất 1 tỷ khách quốc tế trong năm 2020, với thiệt hại ước tính 10 nghìn tỷ USD, theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới. Du lịch Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó, tới nay rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, vì thế số doanh nghiệp tham gia hội chợ cũng sụt giảm với khoảng 250 gian hàng các doanh nghiệp ở 47 tỉnh, thành phố.Gian hàng quốc tế sụt giảm khá nhiều, chỉ còn 6 văn phòng đại diện của sáu quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Colombia, Peru.

Khoảng 300 doanh nghiệp sẵn sàng các gói kích cầu và tua giảm giá hấp dẫn, vé máy bay ưu đãi, nhiều gói sản phẩm giảm 30-40% bên cạnh sản phẩm nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài kích cầu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, Hiệp hội tạo cầu nối giữa các bên thông qua hoạt động xúc tiến, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch, diễn đàn quốc gia “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam”. Dịp này, nhà tổ chức cũng tính toán giảm hoạt động đông người, chuyển đổi sang hình thức trực tuyến nhiều hơn để đảm bảo an toàn.

Ngoài các hoạt động chính, Hội chợ năm nay có giải chạy marathon online (VITM Marathon) từ 20/10-10/11 nhằm cải thiện sức khỏe của người làm du lịch, tạo thói quen tập luyện thể thao và thói quen làm sự kiện trực tuyến. Ngoài ra có hội thảo xây dựng tiêu chí xếp hạng đầu bếp Việt Nam, tiến tới có đánh giá và xếp hạng chuẩn xác hơn về nghề đầu bếp.

MỚI - NÓNG