Cùng về dự Đại hội có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác…Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ duy trì ở mức khá cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,8%; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 65% so với 2015. Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 tăng 3 bậc so với 2016. Các hoạt động văn hóa, xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện.
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập Phú Thọ cần khắc phục như tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; kinh tế chuyển dịch tích cực nhưng vẫn chậm; chất lượng của từng lĩnh vực cũng như sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, trình độ thấp, thiếu sự liên kết thống nhất; ứng dụng khoa học công nghệ hạn chế; ngành dịch vụ chưa phát huy hết lợi thế, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch chưa rõ nét. Trong số 7 khu công nghiệp đã được quy hoạch, chỉ có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động; phát triển tiểu vùng kinh tế động lực theo định hướng không gian còn hạn chế, kết nối vùng kinh tế và Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang còn nhiều bất cập…
Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đề ra; yêu cầu Phú Thọ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Cụ thể: Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, dẫn dắt sự phát triển các tiểu vùng; Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ và chính quyền thật sự là công bộc của dân; Tăng cường huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng; Có chiến lược phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch, dự án, công trình có tính kết nối liên vùng…
Thủ tướng chỉ đạo Phú Thọ cần đưa du lịch trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đòn bẩy cho các lĩnh vực khác; thu hút mạnh đầu tư phát triển du lịch, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống, sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất tổ, nhất là 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Tỉnh cần kết hợp chặt chẽ với thủ đô Hà Nội, các địa phương trong phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp…