Du lịch điện ảnh Việt sắp hốt bạc?

Thành cổ Quảng Trị vào phim “Mùi cỏ cháy” Ảnh: Hoàng Tuấn
Thành cổ Quảng Trị vào phim “Mùi cỏ cháy” Ảnh: Hoàng Tuấn
TP - Thái Lan mỗi năm thu hơn 4 tỷ USD từ khách du lịch, một phần do tác động của điện ảnh. Việt Nam có tiềm năng không kém, theo đánh giá của nhiều chuyên gia nước ngoài.

Ăn nên làm ra nhờ phim

Hội thảo Dự án Cộng đồng điện ảnh Hàn Quốc - ASEAN, Một châu Á trong phim diễn ra ngày 9 và 10-1 tại Hà Nội, thu hút nhiều chuyên gia điện ảnh các nước. Điện ảnh nước nhà được dịp nghe về Ủy ban điện ảnh - cơ quan trực tiếp tạo ra mối lợi lớn cho điện ảnh và du lịch ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trong khu vực.

Mục tiêu cao nhất của Ủy ban điện ảnh là thu hút các đoàn làm phim đến địa phương, tạo nguồn thu, đóng góp cho cộng đồng sở tại.

Ông Noh Jongryun từ Cty Nobis hoạt động trong ngành giải trí Hàn Quốc nói: “Ủy ban điện ảnh giúp giới làm phim tập trung nâng cao chất lượng, thay vì phải lòng vòng tìm địa điểm, hoặc vừa làm phim vừa bị dân tình xua đuổi”.

Ông Keum Sungkeun (Viện Nghiên cứu Phát triển Busan) nói: Là đơn vị hành chính của tỉnh Busan (Hàn Quốc), Viện không chỉ giới thiệu Busan như địa điểm làm phim, mà còn cung cấp dịch vụ đi kèm. Có đến 40% phim Hàn có bối cảnh thành phố này.

Năm năm qua có 180 phim truyền hình, 80 phim ngắn đưa Busan lên màn ảnh. Nhờ vậy, mỗi năm hơn 10 triệu người chọn Busan làm điểm đến du lịch. Hòn đảo xuất hiện trong phim truyền hình Trái tim mùa thu mỗi năm hút hơn 1 triệu khách; nhiều người đến để tận thấy bối cảnh phim để lại.

Ông Michael Lake (có kinh nghiệm làm phim ở Úc, Mỹ với các phim Hoa hậu FBI, Ma trận, 11 tên cướp thế kỷ…) lấy dẫn chứng, nếu không có Ủy ban điện ảnh đứng ra thì các nhà làm phim như ông khó thực hiện cảnh quay rượt đuổi trên tàu điện phải đóng cửa 5 khu nhà trong 1 tuần, hay trực thăng cẩu xe bus khắp Los Angeles (Mỹ).

Đến từ Thái Lan, bà Worateera Suvarnsorn, Trưởng ban Quảng cáo Kinh doanh điện ảnh (Cục Điện ảnh) và bà Ubolwan Sucharitakul Cục trưởng Cục Hỗ trợ cấp giấy phép quay phim, văn phòng phim Thái Lan (Bộ Du lịch và Thể thao) đưa ra những dẫn chứng hùng hồn hơn về sức mạnh quảng bá hình ảnh đất nước qua phim ảnh.

Đến năm 2011 có hơn 500 bộ phim quay tại Thái Lan, trong đó Chúa tể những chiếc nhẫn giúp tăng 10% du khách chỉ tính từ Anh. Phim The Beach (Bãi biển) đưa Phi Phi Leh của Thái Lan thành điểm du lịch đông khách. Phim The Hangover 2 có bối cảnh chủ yếu ở Bangkok (Thái Lan), đạt doanh thu khủng hè 2011 nên Thái Lan thêm một dịp được thế giới nhắc đến.

Cơ hội cho Việt Nam?

Ông Michael Lake nhận định, đang có xu hướng chọn châu Á để làm phim thay vì 60% ở Mỹ. Nhưng sự khác biệt lớn nhất là châu Á ít sử dụng tiếng Anh, có hiện tượng quan liêu mạnh hơn.

Ủy ban điện ảnh có thể xem là cứu cánh cho các đoàn làm phim nước ngoài, thâm nhập những nước châu Á như Việt Nam. Việt Nam có lợi thế nhân công rẻ, chỉ cần phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng tốt, cơ sở đảm bảo cho dựng bối cảnh phim là ổn, ông nói.

“Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi chỉ biết đến qua đoạn quảng bá cho Vịnh Hạ Long trên chuyến bay. Chỉ chừng đó thôi, tôi thấy các bạn sở hữu tài nguyên, cảnh trí tươi sáng cho tương lai phát triển du lịch điện ảnh”, ông Keum nói. Đồng nghiệp Noh lại kể về một người bạn đeo đuổi giấc mơ làm phim ở Việt Nam, vì nhìn thấy ở đây cơ hội vàng.

Sau khi bộ phim Đông Dương làm tại Việt Nam, du khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng mạnh. “Việt Nam hiện nay mới chỉ có Cục Điện ảnh, nhưng không có nghĩa Việt Nam không thể kết nối với cộng đồng làm phim trong khu vực. Việt Nam có lợi thế gần 2.000km bờ biển, khí hậu phong phú mà các đối tác chưa hình dung hết.

Tuy nhiên, chúng tôi chưa thực sự chủ động hút đầu tư từ nước ngoài, xây dựng dữ liệu về địa điểm, trường quay và các dịch vụ làm phim”, TS. Ngô Phương Lan, Cục phó Cục Điện ảnh Việt Nam, nói.

Bà Lan nói Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ năm 2007) chưa đề cập việc thành lập tổ chức tương tự như Ủy ban điện ảnh. Muốn hình thành quỹ phát triển điện ảnh, hay đơn vị trợ giúp quảng bá điện ảnh, du lịch lại phải chờ nghiên cứu, đề án cụ thể. Trước mắt, Việt Nam có hy vọng mở rộng nhờ kết nối với Mạng lưới Điện ảnh châu Á (AFCNet).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG