Tuy nhiên, đây là loại cây dễ nhiễm sâu bệnh nên nếu canh tác theo cách truyền thống, phải bơm xịt nhiều loại thuốc trừ sâu và vì thế có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Đó là chưa kể tình trạng dâu Trung Quốc giá rẻ, không an toàn đội lốt dâu Đà Lạt bày bán khắp nơi.
Để bảo vệ sức khỏe, nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ thường tìm đến nhà vườn để tận tay chọn hái và mua quả dâu; đồng thời tham quan, chụp hình lưu niệm những vườn dâu trong nhà kính hay vườn hình bậc thang ven sườn đồi đẹp như tranh. Nắm bắt xu hướng này, ngành du lịch địa phương đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng những tour du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm với nông dân.
Địa chỉ những vườn dâu sạch chất lượng cao, không phun thuốc hóa học, có thể hái và thưởng thức tại vườn như Biofresh ở hồ Than Thở, vườn dâu tây New Zealand tại số 125 (đèo Trại Mát, phường 11), vườn dâu nhà kính của Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiệp Lực (tiểu khu 144b, phường 8)… đã được các trung tâm hướng dẫn du lịch giới thiệu, báo chí đưa tin. Thế nhưng nhiều du khách không cập nhật thông tin nên đã bị cò lừa gạt, vừa mất tiền oan vừa chuốc lấy sự bực mình.
Đội ngũ cò này thường cưỡi xe máy lượn lờ ở các bến xe, các khu điểm du lịch… Họ đưa danh thiếp có ghi địa chỉ vườn dâu mời chào du khách đến tham quan miễn phí và mua dâu với giá cả phải chăng. Thế nhưng khi du khách tìm đến tận nơi thì đó thực chất là những cửa hàng bán các loại trà, mứt, bánh kẹo, mật dâu… chứ chẳng thấy vườn dâu đâu hoặc vườn chỉ lác đác vài mươi quả. Đã thế, khách còn bị cò và nhân viên cửa hàng đeo bám chào mời, nài nỉ cho đến khi chịu mua hàng mới buông tha.
“Một số du khách đã nhắn tin vào hộp thư công vụ điện tử của tôi để phàn nàn về tình trạng này, đọc lên thấy rất đau lòng. Hiện tượng cò, đặc biệt là cò dâu đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Đà Lạt. Những cửa hàng mà cò đưa khách đến thường tăng giá lên 2-3 lần so với mặt bằng chung để lấy tiền chi lại cho cò, cho tài xế”, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng Nguyễn Thị Nguyên nói.