Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Thanh Bình - Chánh án TAND tỉnh Bến Tre:

“Dù chỉ một vụ oan, sai, chúng tôi cũng thấy rất đau”

ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình - Chánh án TAND tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thành Nam.
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình - Chánh án TAND tỉnh Bến Tre. Ảnh: Thành Nam.
TP - “Chúng tôi cảm nhận rất sâu sắc, dù chỉ một trường hợp oan, sai xảy ra, đối với người làm công tác bảo vệ pháp luật, chúng tôi thấy rất đau”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Thị Thanh Bình - Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre trao đổi.

Sau khi tiến hành giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định, số trường hợp oan sai tuy thấp (71 vụ trong 3 năm), nhưng các vụ án oan lại rất nghiêm trọng. Cá nhân bà suy nghĩ gì về điều này?

Là đại biểu (ĐB) của người dân nhưng tôi cũng làm công tác xét xử trong cơ quan tố tụng. Việc quyết định một người có tội hay không rất quan trọng. Tỷ lệ oan sai không lớn nhưng dù có một vụ xảy ra nhưng nó ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của một con người bị oan, mà trong công việc này về nguyên tắc không được để oan, sai. Chúng tôi cảm nhận rất sâu sắc, dù chỉ một trường hợp oan, sai xảy ra, đối với người làm công tác bảo vệ pháp luật, chúng tôi thấy rất đau. Đó đều là những bài học sâu sắc đối với người làm công tác bảo vệ pháp luật.

Liên quan đến công tác bồi thường oan, sai chậm, Chánh án TANDTC từng nói do pháp luật chưa chặt chẽ. Liệu đó có phải nguyên nhân khiến người bị oan bị thiệt thòi, chậm được bồi thường?

Về nguyên tắc, đã kết luận oan thì việc giải quyết bồi thường phải rất nhanh chóng, để bù đắp phần nào thiệt thòi, tổn thất cho người bị oan. Tuy nhiên, khi giải quyết bồi thường phải theo thủ tục, và thủ tục để lấy đồng tiền từ ngân sách lại chưa phải dễ dàng. Nếu thương lượng được thì còn nhanh, ngược lại sẽ thành vụ án dân sự về giải quyết bồi thường oan, sai, phải đi theo trình tự tố tụng dân sự. 

Vừa qua có một số trường hợp than phiền về chuyện chậm trễ về bồi thường oan, sai. Tuy nhiên đã có thiệt hại thì phải chứng minh từ nguyên nhân dẫn đến hậu quả, từng khoản một, phải làm rõ mới quyết định mức bồi thường được. Chúng tôi thấy thủ tục này vẫn còn tương đối chậm, tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt cả. Việc bồi thường nhanh chóng rất cần thiết nhưng phải thỏa đáng, phù hợp và việc chi đồng tiền từ ngân sách phải đúng.

Nói về sự chậm trễ trong bồi thường, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, nguyên nhân có sự đùn đẩy trách nhiệm. Từ kinh nghiệm thực tế, bà thấy sao?

Chúng ta phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi cũng đã tham gia giải quyết bồi thường oan, sai và thấy rằng phải theo đúng thủ tục. Như thế sẽ không tránh khỏi phiền hà cho người dân, nhất là đối tượng được giải quyết bồi thường oan, sai. 

Nguyên tắc của bồi thường là sai ở khâu nào, khâu đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng lâu nay người ta cứ nghĩ đã án oan là tòa án kết án. Là người làm công tác xét xử, bà nói gì về tính độc lập và khó khăn của mình?

Cơ quan nào làm sai, cơ quan đó phải bồi thường là nguyên tắc của bồi thường oan, sai. Trong hoạt động tố tụng, cái sai của cơ quan trước mà cơ quan sau không phát hiện thì phải chịu trách nhiệm. Ví dụ có cái sai của cơ quan điều tra, nhưng khi chuyển hồ sơ mà VKS không phát hiện ra cái sai, đồng thuận với cơ quan điều tra để truy tố ra tòa. Khi tòa án tin tưởng vào tất cả số liệu, hồ sơ, chứng cứ do cơ quan điều tra đã được cơ quan công tố xem xét, khi mình nghiên cứu hồ sơ và đánh giá chứng cứ không chặt cũng có thể dẫn đến oan, sai.

Sai ở giai đoạn nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, nhưng trên thực tế nó là chuỗi sai của cơ quan tố tụng. Chúng tôi thường răn đe với nhau rằng, trong hoạt động tố tụng, thành tích của khâu này là tội của khâu kia. Chính vì thế đòi hỏi người làm công tác bảo vệ pháp luật, không riêng gì tòa án mà từ cơ quan điều tra, đến cơ quan truy tố và xét xử lúc nào cũng phải đề cao trách nhiệm trong nghiệp vụ là nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ… Khi tiến hành tố tụng phải làm tất cả những cái pháp luật cho phép và buộc trách nhiệm mình phải thực hiện để đảm bảo hạn chế thấp nhất oan, sai. 

Bà đánh giá như thế nào khi oan, sai hay xảy ra ở ngay khâu điều tra?

Trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải dùng các biện pháp nghiệp vụ chứng minh tội phạm. Thực tế có đối tượng rất tinh vi, nhiều thủ đoạn và người phạm tội bao giờ cũng chối tội. Người làm công tác điều tra rất khó khăn, nếu thiếu kỹ năng, kinh nghiệm hay nóng vội thì cũng dễ sa vào việc bức cung, nhục hình.

Thực tế chúng tôi biết có trường hợp nhận tội thay vì mục đích nào đó. Chẳng hạn người anh tinh thần không bình thường, còn người em sáng suốt và phạm tội, nhưng anh nhận tội thay,nếu đi giám định, người anh có thể thoát trách nhiệm hình sự. Trên thực tế, làm án có muôn hình vạn trạng, không phải cứ có bức cung, nhục hình mới dẫn đến oan sai.

Cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
TPO - Bộ Xây dựng cho biết, việc nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới thời gian qua được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.