Dự báo, phải tin cậy

TP - Thảo luận về Dự thảo Luật Khí tượng thủy văn ngày 5/11, một số ĐBQH đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung quy định rõ nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn. Quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Cho rằng đưa ra yêu cầu như vậy còn chung chung, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt câu hỏi: “Cơ quan khí tượng dự báo, cảnh báo không đúng, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, sinh mạng thì trách nhiệm thế nào và đến đâu?”. 

Dự thảo có quy định về trách nhiệm, song theo ĐB Sơn việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào thì lại không ai biết, không được quy định rõ. Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định cho rằng, mặc dù thời tiết diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhưng nếu dự báo sai, dự báo quá lên, vống lên để có được sự an toàn thì rất nguy hiểm, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Đồng quan điểm trên, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, dự báo phải đảm bảo sự tin cậy và cơ quan dự báo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. 

Tuy nhiên, ĐB Minh còn băn khoăn vì khó xác định thế nào là đảm bảo tin cậy? Bản thân của dự báo đã khó có tính chính xác. Vì vậy theo ĐB Minh, chỉ nên quy định cơ quan thực hiện phải chịu trách nhiệm bản tin do mình ban hành, hoặc không được vi phạm các hành vi bị cấm.

MỚI - NÓNG