Tại báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mới nhất do ADB công bố hôm nay (21/9), kinh tế Việt Nam được nhận định tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ”.
Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh (Ảnh minh họa). |
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam cho rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là điều kiện quan trọng nhất để giúp cho Việt Nam phục hồi và tăng trưởng nhanh. So với một số nước, kể cả những nước phục hồi và tăng trưởng tốt, nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô không ổn định và chắc chắn như Việt Nam.
"Đây chính là lý do xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được nâng cấp trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên", ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Cường, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với rủi ro ngày càng tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. Mặc dù các đợt tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng trung ương lớn, đã góp phần giảm áp lực tăng giá trên toàn cầu, nhưng sự gia tăng bất ổn địa chính trị toàn cầu lại có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam.
Việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ có thể kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và năm tới.
“Sử dụng chính sách tài khoá vẫn là việc hàng đầu, các nước khác đều làm như vậy. Đây cũng là vấn đề đối với Việt Nam, vì để sử dụng chính sách tài khoá hiệu quả, vấn đề giải ngân vẫn là vấn đề then chốt, trong khi đó việc giải ngân của Việt Nam hiện nay vẫn chậm”, ông Cường lưu ý.