Nhưng mục đích ban đầu của tòa nhà không phải để bảo vệ con người trước phóng xạ trong cuộc chiến tranh hạt nhân. Mà đúng hơn, tòa nhà kiên cố dùng để bảo vệ cho hệ thống máy tính quyền lực.
Tòa nhà này cũng là nơi đặt trụ sở của một trong những trung tâm viễn thông quan trọng bậc nhất ở Mỹ - đó là trung tâm lớn nhất thế giới để xử lý những cuộc gọi điện thoại đường dài được vận hành bởi Công ty Điện thoại New York, một công ty con của tập đoàn viễn thông AT&T. Tòa nhà được thiết kế bởi công ty kiến trúc John Carl Warnecke & Associates với mục đích tạo ra trung tâm thần kinh giao tiếp giống như "pháo đài thế kỷ 20", với vũ khí giáo mác được thay thế bằng những hạt proton và neutron cũng như cả một đội quân máy móc tinh vi.
Tòa nhà bắt đầu xây dựng năm 1969 và hoàn thành năm 1974. Ngày nay, nó nằm ở trung tâm khu Hạ Manhattan trên phố 33 Thomas Street - đó là tòa tháp bê tông màu xám bằng đá granit vươn cao 167,64 mét trên bầu trời New York. Đối với người dân New York, tòa tháp ở 33 Thomas Street chứa đựng bí ẩn trong suốt nhiều năm dài và được gọi là "Long Lines Building".
Dĩ nhiên không ai biết rằng tòa tháp là một trong những trung tâm gián điệp quan trọng nhất của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chịu trách nhiệm bí mật giám sát những cuộc gọi điện thoại giữa Mỹ và các quốc gia khác trên toàn thế giới, fax và dữ liệu lưu thông Internet.
Trung tâm New York của NSA được đặt tên mã là TITANPOINTE. Theo một loạt tài liệu mật NSA được người thổi còi Edward Snowden tiết lộ, tòa nhà được sử dụng để giám sát những cuộc giao tiếp điện tử của Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và ít nhất 38 quốc gia trong đó bao gồm các đồng minh thân cận với Mỹ như là: Đức, Nhật Bản, Italia, Brazil, Hy Lạp, Mexico, Cyprus và Pháp.
Tên mã TITANPOINTE được nhắc đến nhiều lần trong các báo cáo tuyệt mật của NSA về những chương trình gián điệp. Ngoài ra, tài liệu NSA cũng đặt tên mã cho công ty viễn thông AT&T là LITHIUM. Tòa tháp cũng nằm cách văn phòng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Federal Palza khoảng 1 dãy phố.
Bản thiết kế tầng thiết bị kỹ thuật ở TITANPOINTE.
Khi đi đến tòa nhà TITANPOINTE, nhân viên NSA phải thuê "xe bí mật" thông qua FBI, nhất là khi họ vận chuyển thiết bị. Để giữ bí mật tuyệt đối, nhân viên NSA cũng không được phép mặc quần áo có logo hay phù hiệu của cơ quan mỗi khi phải ra bên ngoài tòa nhà. Theo cựu kỹ sư AT&T Thomas Saunders, tòa nhà giám sát trung bình 175 triệu cuộc gọi điện thoại mỗi ngày và bên trong có ít nhất 3 thiết bị chuyển mạch 4ESS được NSA đặt tên mã là "RIMROCK".
Tài liệu mật NSA cũng mô tả hoạt động của TITANPOINTE là một phần trong chương trình gián điệp giao tiếp qua vệ tinh quy mô hơn gọi là SKIDROWE. Trên nóc tòa nhà được lắp đặt nhiều đĩa vệ tinh. Không chỉ cung cấp thực phẩm và nước uống cho 1.500 người trong 2 tuần, tòa nhà còn chứa một lượng nhiên liệu khổng lồ để phát điện, tạo nên một "thành phố tự dưỡng".
TITANPOINTE đóng vai trò quan trọng trong chương trình gián điệp BLARNEY - được Edward Snowden tiết lộ năm 2013 - của NSA. Chương trình BLARNEY được thành lập vào đầu thập niên 1970 với mục đích gián điệp mọi mục tiêu: khủng bố, ngoại giao, kinh tế, quân sự và chính trị.
Tháng 7-2010, NSA tranh thủ được ít nhất 40 lệnh tòa án cho phép gián điệp phục vụ cho BLARNEY. Cựu chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Mogens Lykketoft chỉ trích chương trình gián điệp của NSA là "hoàn toàn không thể chấp nhận được và phản bội lại lòng tin trong hợp tác quốc tế". Tại TITANPOINTE, thiết bị của NSA được bảo quản trong một căn phòng an ninh gọi là "Cơ sở thông tin nhạy cảm biệt lập".
Những thông tin tình báo điện tử thu thập được sẽ xử lý trước khi chuyển giao đến tổng hành dinh NSA ở Maryland thông qua đối tác AT&T. Tòa nhà ở New York được trang bị mạng lưới ăngten vệ tinh cực mạnh có khả năng giám sát thông tin truyền đi trong không khí. Một kỹ thuật viên giấu tên từng làm việc trong TITANPOINTE cho biết vào năm 1983 không chỉ có nhân viên AT&T làm việc bên trong tòa nhà mà còn có cả một nhóm nhỏ đại diện của công ty viễn thông Verizon.
AT&T không là công ty duy nhất hợp tác với NSA mà còn có hơn 80 đơn vị khác. Không những có bề dày lịch sử hợp tác với NSA mà AT&T còn phục vụ cho chương trình nghe lén bất hợp pháp của FBI. Theo tiết lộ từ tờ New York Times và ProPublica, trong những thập niên gần đây, AT&T cho phép NSA sử dụng hàng tỷ email khách hàng của công ty viễn thông. Còn theo tiết lộ từ Edward Snowden, AT&T lắp đặt thiết bị gián điệp tại ít nhất 59 địa điểm ở Mỹ.