Dự án thủy lợi 7.000 tỷ đồng kéo dài 11 năm: Lãnh đạo thành phố chốt hạn hoàn thành

0:00 / 0:00
0:00
Dự án sông Tích trải qua 11 năm vẫn im lìm khiến dư luận bức xúc
Dự án sông Tích trải qua 11 năm vẫn im lìm khiến dư luận bức xúc
TPO - Lãnh đạo thành phố cho biết, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội cũng đã có báo cáo, xin ý kiến chủ trương của Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sẽ dứt điểm hoàn thành dự án sông Tích trong năm 2022.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ quận Long Biên) đặt vấn đề: Dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì" được xác định là công trình trọng điểm đầu tư, có quyết định đầu tư và khởi công từ năm 2011 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị cho biết, nguyên nhân, trách nhiệm, phương án giải quyết, tiến độ thực hiện và dự kiến thời gian hoàn thành dự án?

Trả lời vấn đề này, ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (thuộc Sở NNPTNT Hà Nội) thông tin:

Tổng mức đầu tư của cả dự án là 6.914,3 tỷ đồng, trong đó chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I, gồm đoạn 1 và đoạn 2 với tổng mức đầu tư 5.925,1 tỷ đồng, trong đó đoạn 1 từ cống đầu mối Lương Phú đến Cầu Trắng, thị xã Sơn Tây, giao Sở NN&PTNT Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 4.253,7 tỷ đồng.

Đoạn 2 từ Cầu Trắng, thị xã Sơn Tây đến Cầu Ó, huyện Phúc Thọ, với tổng mức đầu tư 1.671,3 tỷ đồng do thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư.

Đoạn 3 từ Cầu Ó, huyện Phúc Thọ đến Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức dài 69,8km, đoạn này chưa triển khai.

Đến nay, đoạn 1 của dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng bao gồm các hạng mục, cơ bản hoàn thành cụm công trình đầu mối, đào mới và nạo vét được 18km lòng dẫn.

Về nguyên nhân chậm trễ, ông Sơn nêu:

Thứ nhất, trong quá trình triển khai thi công, hồ sơ thiết kế có bố trí 44 bãi để trữ và bãi đổ đất thừa trên dọc tuyến, tuy nhiên không triển khai được. Khu vực này là khu vực đất mượn nên không triển khai được 44 bãi trữ.

Thứ hai, khó khăn về đất mua để đắp, do trên địa bàn thành phố Hà Nội không có quy hoạch các mỏ khai thác đất đắp cho dự án.

Thứ ba, quá trình khảo sát thiết kế do chưa lường hết địa hình, địa chất tuyến sông, dẫn tới phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công.

Thứ tư, một số định mức hiện hành đang áp dụng chưa phù hợp với thực tế tại hiện trường dự án, nên phải xây dựng lại định mức mới.

Thứ năm, công tác giải phóng mặt bằng chậm, do đối với công tác quản lý đất đai ở địa phương còn hạn chế và chưa chặt chẽ, dẫn tới việc xác định nguồn gốc đất khó khăn.

Ngoài ra là do sự thay đổi chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Về trách nhiệm, ông Sơn cho biết, Ban Duy tu các công trình NN&PTNT, đại diện chủ đầu tư cũng đã cố gắng tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng các sở, ngành địa phương liên quan trên địa bàn thành phố tháo gỡ khó khăn cho dự án. Nhưng đến nay dự án vẫn chậm, trách nhiệm thuộc về Ban Duy tu các công trình NN&PTNT chưa kịp thời tham mưu, đề xuất cũng như cập nhật, hoàn thiện các hồ sơ để báo cáo Sở NN&PTNT báo cáo thành phố giải quyết kịp thời.

Dự án thủy lợi 7.000 tỷ đồng kéo dài 11 năm: Lãnh đạo thành phố chốt hạn hoàn thành ảnh 1

Sông Tích nhiều đoạn bị ngăn dòng, hàng trăm người dân bị thiếu nước tưới tiêu

Thông tin về dự án sông Tích, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, năm 2010, thành phố Hà Nội cũng đã rà soát và điều chỉnh lại mục tiêu của dự án, trong đó có chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thứ nhất từ Ba Vì đến Sơn Tây được triển khai thực hiện bằng 2 nguồn vốn: Nguồn vốn về trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn của ngân sách thành phố, giai đoạn của dự án này cũng đang triển khai thực hiện.

Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn từ thị xã Sơn Tây đến Phúc Thọ triển khai thực hiện bằng hình thức đầu tư theo hợp đồng BT. Vừa qua, theo Luật đầu tư công đã dừng lại hình thức đầu tư BT và thành phố đã cho dừng thực hiện theo hình thức này để chuyển sang đầu tư công.

Giai đoạn 3, sau đó thành phố cũng điều chỉnh lại và chưa thực hiện ở giai đoạn 2016- 2020.

"Vừa qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của thành ủy và đặc biệt nhất đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đã có những chỉ đạo sát sao để thúc đẩy đối với dự án này. Chúng tôi cũng đã có rà soát và chỉ đạo các sở ngành, UBND huyện Ba Vì để tập trung triển khai thực hiện", ông Quyền nói.

Nói thêm về nguyên nhân dự án chậm tiến độ tới 11 năm, ông Nguyễn Mạnh Quyền chỉ ra một số nguyên nhân:

Thứ nhất, liên quan tới vướng mắc giải phóng mặt bằng ở địa bàn huyện Ba Vì. Do nguồn gốc đất đai xác định chưa được rõ ràng, đầy đủ nên đã xảy ra những vụ án cần phải giải quyết và xử lý trong thời gian vừa qua.

Thứ hai, quá trình của dự án này kéo dài và địa hình, địa chất phức tạp nên trong quá trình triển khai, khảo sát và đánh giá của đơn vị tư vấn chưa được chặt chẽ và đầy đủ nên phát sinh nhiều các hạng mục, nhân công, rồi cả đơn giá, cả định mức.

Vừa qua, thành phố đã chỉ đạo các ngành rà duyệt lại toàn bộ hồ sơ, các quá trình triển khai thực hiện hơn 10 năm vừa qua và cũng đã hoàn chỉnh lại toàn bộ hồ sơ, những khó khăn, vướng mắc mà Ban duy tu vừa nêu ra đã được xem xét và các ngành đã thẩm định, báo cáo với UBND thành phố; qua đó thành phố đã xem xét, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội cũng đã có báo cáo, xin ý kiến chủ trương của Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

"Như vậy, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố cũng sẽ hoàn thiện lại toàn bộ các hồ sơ điều chỉnh dự án, coi như là dự án lần cuối, trong đó cho phép triển khai thực hiện 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là đoạn từ Ba Vì tới thị xã Sơn Tây sẽ hoàn thành trong năm 2022 này để làm sao chúng ta cung cấp được nguồn nước vào sông Tích phục vụ cho hệ thống tưới tươi cũng như xử lý môi trường thì sẽ dứt điểm hoàn thành trong năm 2022".

Còn lại giai đoạn 2 từ Sơn Tây, Phúc Thọ cho đến Mỹ Đức sẽ triển khai thực hiện và đã đưa vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 và sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành giai đoạn 2 này để làm sao toàn bộ tuyến sông Tích trên địa bàn của thành phố Hà Nội sẽ được hoàn thành để làm sao phục vụ nguồn nước từ sông Đáy, để làm sao thau rửa về môi trường, phục vụ cho vấn đề sản xuất nông nghiệp.

Trước đó, báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh về dự án Tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) - (dự án cải tạo sông Tích) được phê duyệt với mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng có mục tiêu cung cấp nước tưới cho 16.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng 11 năm nay, hàng trăm hộ dân không có nước tưới tiêu, sông Tích đang dần trở thành dòng sông “chết”.

Về phía đơn vị thi công là Cty Bình Minh, đơn vị này đã có 55 văn bản kiến nghị các sở ngành để giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thực tế thi công, bởi nếu không “mọi nỗ lực trở nên vô ích và đi vào ngõ cụt, không lối thoát” (kiến nghị của Cty này nêu).

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.