Dự án thành “con tin”

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được thi công (đoạn trên đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: Lê Việt
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được thi công (đoạn trên đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: Lê Việt
TP - Cục trưởng Cục Đường sắt (Bộ GTVT) Nguyễn Hữu Thắng khiến dư luận bức xúc khi nói với báo chí về việc tổng mức đầu tư dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Nội đội thêm lên 339 triệu đô la là: “Điều chỉnh một tý mà rùm beng cả lên”.

Khi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ra thông báo phê bình, kiểm điểm vì sự chậm trễ trong triển khai dự án, về điều chỉnh tổng mức đầu tư quá cao... lẽ ra vị lãnh đạo này phải cầu thị, tiếp thu để sửa chữa, thì lại có những phát ngôn “bất cần”.

Quản lý dự án là một khoa học, nếu thiếu kiến thức, thiếu năng lực thì chủ đầu tư cũng chỉ như “thầy bói xem voi”. Để quản lý tốt dự án, đòi hỏi những người quản lý phải có tâm và đủ tầm để dẫn dắt, kiểm soát, làm chủ dự án. Khi một dự án đội vốn lên đến trên 60% so với tổng mức đầu tư được duyệt, dường như nó đã vượt ra tầm kiểm soát của chủ đầu tư.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được thực hiện theo hình thức EPC (chìa khoá trao tay) và dùng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc với lãi suất khá cao so với nhiều dự án ODA khác (3-4%/năm). Ở dạng hợp đồng này, nhà thầu hầu như làm thay chủ đầu tư nhiều công đoạn từ thiết kế, lên dự toán, thi công, mua sắm thiết bị…

Nếu không đủ năng lực và không biết sử dụng tư vấn có năng lực để kiểm soát nhà thầu, thì “ông chủ” có thể lại bị nhà thầu dẫn dắt, qua mặt và chỉ có vai trò kết nối, hợp thức hoá các thủ tục đầu tư.

Trong biện giải của mình, Cục Đường sắt cho rằng, do thay đổi nhiều hạng mục đầu tư, cơ chế giá, giải phóng mặt bằng chậm…dẫn đến đội giá. Đồng ý rằng, sự thay đổi trong thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án phức tạp là khó tránh khỏi, nhưng thay đổi quá lớn đến mức làm “biến dạng” dự án thì khó chấp nhận.

Ở đây xảy ra một số tình huống. Một là, chủ đầu tư đã không hình dung được “sản phẩm” mình cần là gì. Khi ký hợp đồng, nhà thầu nói A cũng gật, đến khi thực hiện nhà thầu lái thành B cũng ừ! Chỉ có điều B đắt hơn A rất nhiều. Đây liệu có phải là minh chứng cho sự yếu kém? Cũng có thể xảy ra tình trạng khi ký hợp đồng, đã có sự “bắt tay nhau” vẽ nên những con số đẹp để lọt qua các barie kiểm duyệt. Nhưng khi có dự án trong tay, nhà thầu có sự “hậu thuẫn” của chủ đầu tư biến dự án thành “con tin” để mặc cả, điều chỉnh, đội giá. Trong trường hợp này rõ ràng chủ đầu tư đã vượt xa hơn cả sự yếu kém!

Điều đáng nói tại dự án này chính là việc khi còn chưa tỏ về các dữ kiện ở mức cần thiết, chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng để rồi vừa làm vừa thiết kế, vừa điều chỉnh. Hậu quả là tăng tổng mức đầu tư quá mức, tiến độ không đảm bảo. Hơn thế điều này hình thành nên khoảng mờ trong quản lý dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát, có thể gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

MỚI - NÓNG