Tác phẩm của Xuân Lam tham gia dự án sử dụng nhiều hình ảnh nhận diện đặc trưng các nhãn hiệu xa xỉ gây tranh cãi. Anh có thể thuyết minh ý tưởng này?
Tác giả vẽ lại Rước rồng- bức tranh Hàng Trống khá nổi tiếng. Mà Hàng Trống thì không ở đâu xa, ngay phố cổ. Trước 1945, giá trị thẩm mỹ của dòng tranh này là không phải bàn cãi, giờ người Việt gần như rất ít biết đến. Nhưng hỏi người xem có biết nhãn hiệu thời trang nào ở trong tranh thì ai cũng biết. Đó là nghịch lý.
Tác giả có dụng ý “bẫy” người xem để họ có dịp suy nghĩ về vấn đề giá trị di sản đứng trước làn sóng toàn cầu hóa sẽ như thế nào. Nó có sống được hay không chính do nhận thức của mọi người. Đó cũng chính là tính thông điệp của tác phẩm đương đại. Bích họa trang trí nhìn gì thấy nấy, nhìn khủng long thì ra khủng long, nhìn dòng suối ra dòng suối… chứ không có nghĩa thứ hai, thứ ba.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng dự án Phùng Hưng (còn gọi là phố bích họa Phùng Hưng) cũng là tranh tường?
Chính vì thế dự án khi vận hành rất vướng. Bản thân hội đồng thẩm định cũng dùng luôn những tiêu chuẩn của tranh tường để áp vào thành ra không đúng. Bản chất của nghệ thuật đương đại tương tác. Không phải tương tác theo kiểu chỉ có đứng vào đấy selfie đâu mà là tương tác tư duy. Du khách nước ngoài đến nhìn hiểu ngay, cách xem của họ hoàn toàn khác.
Với dự án Phùng Hưng, chúng tôi xác định từ đầu, làm đương đại một cách thân thiện thôi, đại chúng chứ không phải phản biện gì ghê gớm cả. Cho nên hơi bất ngờ vì sự phản đối rất mạnh của một số thành viên hội đồng nghệ thuật. Trong khi quận Hoàn Kiếm rất ủng hộ: “Cái mới đầu tiên bao giờ cũng bị phản đối”. Khổ thế, làm việc tử tế ở mình đâu phải dễ, cũng phải liều mạng mới làm nổi đấy.
Thực ra đến giờ tôi còn chưa rõ dự án đã được cấp phép hay chưa. Làm xong cũng chả thấy Sở, Cục nào đến nghiệm thu cả. Quận bảo cứ làm thôi, chờ giấy phép lâu lắm… Nhưng thôi tất cả những việc ấy xong rồi, rõ ràng người dân được lợi. Bọn tôi chấp nhận thiệt, xác định đây là dự án xã hội, không lấy công.
Anh nghĩ sao trước khả năng thông gầm cầu và các tác phẩm trong dự án sẽ ra đi?
Kế hoạch thông là có, khoảng 5 năm nữa. Một dự án bày 5 năm là được rồi. Tôi được biết quận sẽ mời hội kiến trúc Pháp, Nhật tư vấn. Tôi nói chuyện với hội kiến trúc sư đấy rồi, họ rất muốn giữ tác phẩm lại. Họ thấy nó thành một thứ ký ức tập thể về con phố. Cuối tuần, mọi người vẫn lên chụp ảnh ầm ầm. Đập được cũng phải giải trình chán với công luận. Khi dự án hoàn tất, tự nó có sức sống riêng.
Nhân dự án này, mình cảm thấy đúng là dân thủ đô đói không gian văn hóa. Ai đời đợt Tết vừa rồi 6h sáng lên đã thấy tranh nhau đi chụp ảnh. Ý thức một số người xem kém lắm, chỉ biết mình thôi. Máy nước, xô nước trong sắp đặt vòi nước công cộng phá hỏng hết. Mà đã chôn tác phẩm xuống, hàn chắc rồi thế mà còn giật bằng được lên. Cái xe máy kim vàng giọt lệ 4-5 người ngồi lên, đổ cả xe, nát hết. Họ không nghĩ đấy là tác phẩm, nghĩ là của chung, của… giời hay sao ấy.
Đáng ra phải làm xe bằng nguyên liệu khác?
Lấy đâu ra tiền. Tác phẩm yêu cầu phải làm thật ít tiền. Chỉ còn cách mua cái xe mấy triệu, chứ đổ bằng composit để ra hiệu quả như thế cực kỳ tốn.
Được biết các thành phố lớn như New York (Mỹ) hay Toronto (Canada) đều có luật Percent for Arts (Phần trăm cho nghệ thuật) quy định 1% ngân sách các dự án xây dựng do thành phố đầu tư phê duyệt sẽ được dành cho các công trình nghệ thuật công cộng. Anh nghĩ sao về điều này?
Đây là cách làm phổ biến ở nhiều nước. Như ở Trung Quốc tối thiểu là 2%, có nước còn nhiều hơn. Không phải tự dưng mà họ có bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật công cộng như thế. Các tòa nhà ở Thượng Hải, Bắc Kinh bao giờ cũng phải có những khu nghệ thuật công cộng và điêu khắc ngoài trời. Ở Hàn Quốc, mật độ tác phẩm nghệ thuật công cộng ở đô thị còn dày đặc hơn. Hồi đầu luật định còn mang tính bắt buộc, nhưng bây giờ người ta thấy điều đấy là đương nhiên thậm chí còn vinh hạnh khi thực hiện xong nghĩa vụ với cộng đồng, họ lại được miễn những thứ thuế khác. Thực ra đó là một hình thức Nhà nước hỗ trợ thông qua doanh nghiệp. Còn ở ta không gian cho nghệ thuật công cộng bị bỏ quên.