Đại diện UBND TPHCM:

Dự án Khu công nghệ cao TPHCM chỉ sai về kỹ thuật và thủ tục

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan (giữa), Chủ tịch UBND quận 9 (trái) chủ trì họp báo
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan (giữa), Chủ tịch UBND quận 9 (trái) chủ trì họp báo
TP - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tại buổi họp báo thông tin kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và tiến độ, kết quả thực hiện kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại dự án khu công nghệ cao diễn ra vào chiều tối 6/8.

Thu hồi đất theo… định hướng

Mở đầu buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết liên quan đến các sai phạm tại dự án khu công nghệ cao (CNC) theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, từ tháng 7 năm 2018, TPHCM đã khẩn trương thực hiện. Trong 8 nội dung kết luận thì chỉ có một nội dung liên quan  trách nhiệm của TPHCM với người dân, cụ thể là về chính sách bồi thường, giải tỏa.

Ông Hoan đề nghị báo chí tập trung trao đổi về tái định cư với lý do người dân rất quan tâm. “Tôi tiếp xúc với người dân nhiều lần. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa qua cũng đã trực tiếp gặp và nói chung là hầu hết ý kiến đồng thuận, muốn thực hiện sớm. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến người dân chưa đồng tình, đề nghị làm rõ tính pháp lý”, ông Hoan cho hay.

Trả lời PV Tiền Phong về việc có hay không trong quá trình thực hiện dự án khu CNC, TPHCM đã thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch, Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy nói TTCP đã kết luận là TPHCM có thiếu sót và TPHCM đã nhận.

Theo ông Trần Văn Bảy, năm 2008, TPHCM phê duyệt bản đồ quy hoạch khu CNC là được sự ủy quyền của Chính phủ. Tổng cộng TPHCM đã ban hành 3 quyết định thu hồi đất theo thẩm quyền. Tuy nhiên, TTCP đã chỉ ra quyết định lần đầu là đúng, còn 2 quyết định ban hành sau là dựa theo định hướng quy hoạch không gian khu CNC trong tương lai có tổng diện tích trên 1000 ha và việc này TTCP xác định là thành phố chưa đúng.

Đối với việc thay đổi tên phường Phước Long B thành phường Tân Phú, ông Bảy giải thích là …lỗi kỹ thuật và thành phố đã phát hiện, điều chỉnh, không có chuyện nhầm phường, dẫn đến thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch. “Chúng tôi đã giải thích với bà con về trình tự thu hồi đất và các thiếu sót của thành phố. Rất mong báo chí thông tin giúp với bà con. Hiện nay đang có sự ngộ nhận sắp tới thành phố sẽ chi trả bổ sung. Thực tế chỉ những hộ nằm trong ranh 41 ha sẽ được tính toán chứ không phải tất cả người dân trong ranh dự án”, ông Bảy giải bày. 

Dự án Khu công nghệ cao TPHCM chỉ sai về kỹ thuật và thủ tục ảnh 1

Sau khi thu hồi đất của dân, nhiều khu chức năng thuộc dự án Khu công nghệ cao (quận 9) hiện đang bỏ hoang một cách lãng phí.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đặt vấn đề: Có một phường (phường Tân Phú) ban đầu không có tên, sao sau đó lại có? Do Xa lộ Hà Nội thu hẹp lại so với quy mô ban đầu nên thừa dãy đất dài ven xa lộ, diện tích khoảng 5-6 ha. TPHCM quyết định thay vì làm xa lộ thì lấy đất đó làm khu CNC, tuy là dự án sản xuất kinh doanh nhưng khu CNC cũng phục vụ cho sự phát triển TPHCM. Thu hồi miếng đất này để khu CNC có mặt tiền đẹp. Đó là lý do vì sao có sự nhầm phường.

Theo ông Hoan, thực tế, TPHCM chỉ thu hồi của dân hơn 800 ha. Hơn 100 ha còn lại là đường giao thông, kênh rạch,…

“Sai phạm ở đây thanh tra có kết luận là trình tự thủ tục chưa đúng. Thu hồi trước, thu hồi bổ sung mà không xin ý kiến trước. Kết luận thanh tra và kết luận của Phó Thủ tướng cũng xác định nên sau đó thành phố báo cáo và Thủ tướng đã đồng ý. Thực tế, không có vấn đề nào mà khi triển khai lại đúng như dự kiến ban đầu. Nó luôn biến động, phải cập nhật và thường xuyên xử lý. Như câu chuyện khu CNC 20 năm trước, có những việc phải làm ngay, có việc phải xin ý kiến. Mình làm không tốt nên mới có việc thu hồi lần 2, lần 3”, ông Hoan nói.

Không thể xem xét cơ sở pháp lý?

Dự án khu CNC có phải là một vụ Thủ Thiêm thứ hai? Ông Hoan nói khi Thủ tướng chấp thuận cho thu hồi 913 ha, nhiều người dân không hiểu cụ thể. Thực tế, trong quyết định thu hồi có 2 nhóm đất, một chuyên về CNC (787 ha) và một là nhóm đất khác (dành bố trí chuyên gia, nhà ở, tái định cư, khu di tích bến Nọc…) với diện tích 40,9 ha.

“Bà con cứ cho diện tích này là ngoài ranh. Nó gắn liền với dự án. Tuy nhiên, do thực hiện không đúng quy trình thủ tục nên sắp tới TPHCM phải hỗ trợ dân và thời điểm tính hỗ trợ là từ năm 2007. Nếu ngoài ranh thì mới khác. Như 4,3 ha ở Thủ Thiêm, TTCP đã kết luận ngoài ranh. Chính sách phải khác và thành phố đang làm, còn ở đây 40,9 ha là trong ranh, tính chất hoàn toàn khác nhau”, ông Hoan khẳng định.

Nói về một số hộ dân khi tiếp xúc với lãnh đạo UBND TPHCM vẫn yêu cầu kiểm tra tính pháp lý của việc thu hồi nhà đất, ông Võ Văn Hoan nói: “Đến thời điểm này còn bàn được gì nữa. Nếu thu hồi 3 quyết định của UBND TPHCM thì còn quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải tính sao? Chính quyền thành phố thấy có sai, chúng tôi phải sửa. Pháp lý cuối cùng hiện nay chúng ta phải bám vào làm là quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cứ tìm mãi thì sẽ đi theo đường xoáy trôn ốc, ngày càng mông lung. Chúng tôi đã công bố với người dân bản đồ quy hoạch tại buổi tiếp xúc theo ý kiến của Thủ tướng. Không còn bản đồ nào khác. Sắp tới thành phố cũng sẽ công bố bản đồ ở Thủ Thiêm”.

Ông Võ Văn Hoan mong người dân chia sẻ với chính quyền bởi chính sách dù có thuận lợi đến mấy cũng không thể thỏa mãn nguyện vọng của người dân và công việc quan trọng sắp tới là sớm ổn định cuộc sống của người dân. “Chúng tôi mong muốn người dân nhận nền tái định cư, thay vì nhận tiền. Như ở Thủ Thiêm, bà con nhận một nền đất theo giá tái định cư nhưng giá trị thực tế là rất cao”, ông Hoan chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Bảy, nguồn kinh phí chi trả bổ sung cho người dân sắp tới chính quyền đã thuê một công ty thẩm định giá độc lập vào năm 2017. Chính sách mới so với chính sách cũ thì có chênh lệch. Phần chênh lệch cộng với số tiền lãi tính theo lãi suất ngân hàng chậm nộp để xác định tổng số tiền từng hộ được chi trả bổ sung. Vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết chi hơn 1.471 tỷ đồng cho khu CNC, trong đó dành khoảng 1.399 tỷ dành chi trả bổ sung cho các hộ dân. Số tiền trên chỉ là con số ước tính. Nếu làm sớm, số tiền chi trả sẽ thấp hơn, còn làm chậm, chi phí sẽ đội lên do chịu thêm lãi suất chậm.

Ông Võ Văn Hoan kể ông tiếp một trường hợp người dân đang khiếu nại cho rằng nhà đất ngoài ranh và yêu cầu bồi thường hơn 8000m2 đất nông nghệp theo giá hiện nay là 90 tỷ đồng. “Tôi mới phân tích. Cô chú chưa nhận tiền bồi thường 4 tỷ đồng, 15 năm tiền lãi phát sinh là thêm 6 tỷ đồng, như vậy đã được hơn 10 tỷ đồng. ngoài ra. Cô chú còn có 5 nền đất ở trung tâm quận, giá thị trường là 50 triệu/m2, 100m2/nền thì được tổng cộng 25 tỷ đồng, như vậy là đã được tổng cộng 35 - 40 tỷ đồng, tức gần 1/3 nguyện vọng. Nghe giải thích xong, bà con hiểu và đồng tình”, ông Hoan nói.

Chỉ phê bình, rút kinh nghiệm…
Trả lời PV Tiền Phong về công tác xử lý cán bộ sai phạm, ông Võ Văn Hoan cho biết, các cơ quan đang kiểm điểm trách nhiệm, nhìn chung là chỉ phê bình, rút kinh nghiệm “Nói thật tìm người kiểm điểm rất khó vì nhiều người về hưu hoặc đã mất, trong khi những sai phạm này chỉ thiên về kỹ thuật”, ông Hoan nói.

Về tái định cư, đúng như báo chí hỏi, dự báo không sát. Dự báo số lượng lớn nhưng thực tế ít, dẫn đến phải bố trí cho các dự án khác. Điều này thanh tra đã nêu. Chúng tôi đang thực hiện theo kết luận. (Ông Trần Văn Bảy,  Chủ tịch UBND quận 9)

Cuối tháng 8 trình HĐND TPHCM chính sách về Thủ Thiêm

Theo ông Võ Văn Hoan, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu mọi vấn đề liên quan đến dự án khu CNC phải giải quyết chậm nhất là trước ngày 30/12. TPHCM đã yêu cầu các sở ban ngành chức năng và các đơn vị liên quan khẩn trương làm hạ tầng để tái định cư cho người dân trước Tết. Khu đất dành tái định cư trước đó quy hoạch dành cho giáo dục, có vị trí rất đẹp.
Cuối tháng này, nếu không có gì thay đổi, những vấn đề liên quan với Thủ Thiêm, đặc biệt là chính sách cho người dân khu 4,3 ha sẽ trình HĐND TPHCM và sẽ tổ chức họp báo trước kỳ họp để thông tin về việc thực hiện các kết luận của TTCP về vụ Thủ Thiêm.

MỚI - NÓNG