TPHCM họp báo về dự án Khu Công nghệ cao

Ông Võ Văn Hoan (giữa) và ông Trần Văn Bảy (trái) cùng ông Từ Lương, giám đốc Trung tâm báo chí TPHCM chủ trì cuộc họp báo
Ông Võ Văn Hoan (giữa) và ông Trần Văn Bảy (trái) cùng ông Từ Lương, giám đốc Trung tâm báo chí TPHCM chủ trì cuộc họp báo
TPO - Đúng 17h chiều nay, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, UBND TPHCM đã tổ chức họp báo chính thức công bố tiến độ và kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ tại dự án Khu Công nghệ cao (CNC).

Chủ trì cuộc họp báo là Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cùng Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy và lãnh đạo Trung tâm báo chí TPHCM.

Tại buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TPHCM đã báo cáo về tiến độ, kết quả thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ và kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về dự án Khu Công nghệ cao.

Theo đó, từ khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo của công dân, Thường trực UBND TPHCM đã nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với công dân. Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo cho Chủ tịch UBND quận 9 tổ chức hơn 30 buổi tiếp từng hộ dân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, đồng thời xin ý kiến của các hộ dân bị thu hồi đất về dự kiến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Sau đó, Chủ tịch UBND TPHCM đã tổ chức 3 buổi tiếp các hộ dân để công bố chính sách và tiếp tục lắng nghe ý kiến của các hộ dân. Trên cơ sở chính sách và qua công tác tiếp dân, đa số hộ dân đã đồng ý với chính sách hoặc có ý kiến đề nghị bổ sung thêm, tuy nhiên còn một vài trường hợp chưa đồng thuận với nội dung chính sách.

TPHCM họp báo về dự án Khu Công nghệ cao ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tại cuộc họp báo
TPHCM họp báo về dự án Khu Công nghệ cao ảnh 2 Có hơn 100 phóng viên của nhiều cơ quan quan đơn vị báo, đài trung ương và địa phương tham dự và đưa tin về sự kiện này.

Tại các buổi tiếp dân, Chủ tịch UBND TPHCM đã thay mặt cho chính quyền thành phố nhận trách nhiệm với các hộ dân về những sai sót trong quá trình thực hiện dự án Khu Công nghệ cao như Thanh tra Chính phủ đã kết luận. Đối với các hộ dân bị thu hồi đất trong phần diện tích 40,997ha nằm trong ranh quy hoạch dự án Khu Công nghệ cao, thành phố sẽ khẩn trương hoàn thiện pháp lý để sớm chi trả tiền bổ sung cho các hộ dân trong thời gian tới.

Đối với các hộ dân có khiếu kiện, nếu thể hiện sự đồng ý chính sách, các cơ quan có thẩm quyền của thành phố sẽ hoàn thiện pháp lý, hoàn chỉnh hạ tầng các khu tái định cư để triển khai bố trí nền tái định cư chậm nhất là 30/11/2019 nhằm sớm ổn định đời sống của người dân.

Đồng thời, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố tập trung quan tâm, chăm lo, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân ngay cả sau khi được nhận nền tái định cư.

Đối với các hộ dân có khiếu kiện nhưng chưa đồng thuận chính sách: Thành phố sẽ cầu thị tiếp thu ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, trao đổi thêm với các cơ quan có thẩm quyền để trả lời cho các hộ dân. Đối với các ý kiến của các hộ dân thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên: Thành phố sẽ tổng hợp báo cáo xin ý kiến trả lời của các cơ quan Trung ương. Thành ủy và Lãnh đạo thành phố luôn chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân phải di dời để thực hiện Khu công nghệ cao quận 9.

Đồng thời, luôn tôn trọng, quan tâm đến quyền lợi hợp pháp và vận dụng tối đa các quy định pháp luật hướng có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất thuộc dự án Khu công nghệ cao ( đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công với cách mạng). Lãnh đạo thành phố cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách cho các hộ dân và sẽ quan tâm tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

TPHCM họp báo về dự án Khu Công nghệ cao ảnh 3

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TPHCM

Trước đó, trong 3 ngày 31/7, 1 và 2/8, tại trụ sở UBND phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9), Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và các Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu, Võ Văn Hoan đã tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân đang khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án Khu CNC.

Từng hộ dân đã được lãnh đạo UBND TPHCM tiếp riêng. Báo chí không được tham dự và người dân khi đến UBND phường phải xuất trình giấy tờ, thư mời, nếu đúng thành phần mới được vào.

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 15 vào ngày 13/7 vừa qa, HĐND TPHCM khóa 9 đã thông qua Nghị quyết chấp thuận bổ sung kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án khu CNC.

Kinh phí trên lấy từ nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TPHCM với tổng số vốn 1.471 tỉ đồng.

Nghị quyết của HĐND TPHCM yêu cầu UBND TPHCM khẩn trương chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện việc chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung của dự án theo đúng quy định pháp luật, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho HĐND TPHCM trong kỳ họp cuối năm 2019.

TPHCM họp báo về dự án Khu Công nghệ cao ảnh 4 Người dân khu công nghệ cao mỏi mòn khiếu nại hơn 10 năm qua và nhiều người có nhà đất ngoài ranh quy hoạch song cũng bị giải tỏa

Theo tờ trình của UBND TPHCM, việc bổ sung kinh phí phát sinh cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư khu CNC là thực hiện thông báo của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án Khu CNC.

Cụ thể, diện tích đất gần 41 ha nằm trong dự án đã được thu hồi theo quy hoạch và theo các dự án phục vụ khu CNC nên không xem xét giao lại cho các hộ dân bị thu hồi mà sẽ giải quyết bằng cách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật.

UBND TPHCM thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân nói trên tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 458 điều chỉnh bổ sung quy hoạch khu CNC vào ngày 18/4/2007.

Trước đó vào giữa tháng 8/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 370 thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan dự án Khu CNC.

Các sai phạm của TPHCM tại thời điểm triển khai thực hiện dự án khu CNC đã nhiều lần được TTCP kết luận, xác định trong quá trình triển khai dự án Khu CNC, UBND TPHCM đã để xảy ra thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến khiếu kiện. Có nhiều nội dung tố cáo của người dân là có cơ sở như: việc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, không ban hành các quyết định thu hồi đất, việc công khai bản đồ quy hoạch có sai sót…Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới khiếu kiện phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi, thực hiện dự án.

TPHCM họp báo về dự án Khu Công nghệ cao ảnh 5 Người dân bị cưỡng chế giải tỏa nhà đất tại dự án khu công nghệ cao bị đẩy vào khu tạm cư chật chội hơn 10 năm qua

Theo kết luận của TTCP, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 989/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Khu CNC, trong đó, xác định quy mô tổng diện tích là 800 ha tại quận 9. Đến năm 2002, UBND TPHCM báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi toàn bộ diện tích là 804 ha, tăng 4ha và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Việc thu hồi diễn ra tại 5 phường quận 9 gồm Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B. Tuy nhiên, theo TTCP, trên thực tế thành phố lại thu hồi đất tại phường Hiệp Phú mặc dù trong Quyết định 989/QĐ-TTg của Thủ tướng không đề cập đến đồng thời không thu đất tại phường Phước Long B được xác định trong Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp đến năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 95/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể và dự án xây dựng Khu CNC giai đoạn 1 với tổng diện tích là 804 ha tại 6 phường ở quận 9 (bổ sung thêm phường Hiệp Phú cùng với 5 phường cũ). Trong lần thứ 2 thu hồi đất, UBND TPHCM đã thu hồi bổ sung 6,9 ha để thực hiện dự án khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Đặc biệt, trong lần thu hồi đất thứ 3, TPHCM đã thu hồi bổ sung tới 102 ha khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đến năm 2005, UBND TPHCM mới có văn bản số 4525/UBND-ĐT báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án đầu tư xây dựng mới Khu CNC từ 804 ha lên 913ha.

Đến năm 2006, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 4877/QĐ-UBND điều chỉnh địa danh thu hồi đất, thay tên phường Phước Long B thành phường Hiệp Phú.

Đây chính là động thái hợp thức hóa cho việc thu hồi đất ngoài ranh dự án không có trong Quyết định số 989/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này dẫn tới khiếu nại bức xúc gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất.

Đến năm 2008, UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu CNC, xác định diện tích tổng thể của dự án là 913 ha, trong đó, đất khu CNC là 872ha và đất các dự án khác nằm trong ranh dự án là 41 ha.

TPHCM họp báo về dự án Khu Công nghệ cao ảnh 6 Nhiều dự án tái định cư còn là bãi đất hoang

Tuy nhiên, hai năm sau, Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 xác định Khu CNC có quy mô 872ha.

Đặc biệt, Quyết định này không có chi tiết nào đề cập đến 41ha mà UBND TPHCM phê duyệt dưới tên gọi “các dự án khác.”

Ngoài ra, UBND TPHCM giao UBND quận 9 thu hồi thêm 149 ha đất nằm ngoài ranh Khu CNC (khu 913 ha) để lập 9 dự án gồm 7 dự án tái định cư, 1 khu nhà ở chuyên gia và 1 khu nhà lưu trú cho công nhân. Tổng diện tích UBND TPHCM đã thu hồi lên tới 1.062ha đất.

Trong tổng số 3.113 hộ dân bị thu hồi nhà đất có tới 2.035 hồ sơ được UBND quận 9 kiểm kê, ban hành quyết định công bố giá trị bồi thường trước ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (ngày 1/7/2004), gây thiệt thòi cho người dân, dẫn tới bức xúc và khiếu nại kéo dài.

MỚI - NÓNG