Dự án hồ chứa nước Đắk Lắk đội vốn, dậm chân tại chỗ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Gần hết thời hạn hoàn thành nhưng dự án hồ chứa nước Yên Ngựa vẫn “dậm chân tại chỗ”, trong khi ứng vốn của Trung ương tới 88%. Dự án rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Đảng đoàn HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả khảo sát, đánh giá hiệu quả tính khả thi của dự án hồ chứa nước Yên Ngựa.

Theo đó, Đảng đoàn HĐND tỉnh đề nghị cân nhắc cho tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, để dự án theo đúng mục tiêu, hiệu quả thực tiễn, cần rà soát tổng thể, đánh giá khả năng sinh thủy của hạng mục hồ chứa nước Yên Ngựa, cân nhắc giảm diện tích đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), điều chỉnh quy mô dự án. Xác định chính xác diện tích đất cần thu hồi và kinh phí bồi thường, chi phí xây dựng, tránh tiếp tục phát sinh vốn khi dự án được triển khai tiếp.

Theo Đảng đoàn HĐND tỉnh, việc triển khai dự án hồ Yên Ngựa tồn tại nhiều bất cập.

Dự án hồ chứa nước Đắk Lắk đội vốn, dậm chân tại chỗ ảnh 1

Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa đang "dậm chân tại chỗ"

Cụ thể, Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư vào năm 2018, tổng mức đầu tư 305,5 tỷ đồng. Mục tiêu dự án chủ yếu cấp nước tưới 350 héc-ta lúa huyện Lắk và 400 héc-ta cây trồng huyện Cư Kuin.

Dự án có 2 công trình hồ chứa gồm hồ Yên Ngựa (huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (huyện Lắk). Tổng diện tích thu hồi hơn 115 héc-ta, thời gian thực hiện dự án từ 2018-2022. Tuy nhiên, dự án gần như “dậm chân tại chỗ”.

Đến nay, UBND huyện Cư Kuin và Lắk chỉ mới phê duyệt 6 phương án bồi thường, GPMB đối với 48,08 héc-ta, nhưng kinh phí bồi thường trên 80 tỷ đồng (tăng hơn 32 tỷ đồng so với tổng mức GPMB).

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban tỉnh) - chủ đầu tư, nếu giải phóng hết 115 héc-ta thì kinh phí lên hơn 180 tỷ đồng.

Đến ngày 19/8, tổng giá trị khối lượng hoàn thành của dự án trên tổng giá trị hợp đồng xây lắp đã ký 13,83 tỷ đồng/198,3 tỷ đồng (đạt 6,97%).

Theo báo cáo của chủ đầu tư, thời điểm lập hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, xác định kinh phí bồi thường, GPMB áp dụng đơn giá đất theo Quyết định số 43 ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện bồi thường, GPMB lại áp dụng đơn giá đất theo Quyết định số 22 ngày 3/7/2020 của UBND tỉnh. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí bồi thường.

Từ thực trạng trên, Đảng Đoàn HĐND tỉnh nhận định nếu dừng dự án, trung ương sẽ rút vốn, trong khi đó, nguồn vốn trung ương phân bổ đã được tạm ứng trên 88%, khối lượng đang xây lắp dang dở sẽ gây lãng phí và dư luận không tốt, người dân chưa được bồi thường tiếp tục khiếu kiện, mục tiêu của dự án không đạt được và tỉnh phải giải quyết các hậu quả phát sinh từ việc dừng dự án.

Trường hợp triển khai tiếp dự án, tỉnh sẽ gặp khó khăn khi vốn đầu tư công trung hạn, kể cả nguồn dự phòng giai đoạn 2021-2025 cũng đã phân bổ hết, cùng với việc tăng kinh phí đền bù, GPMB và chi phí xây lắp sẽ tạo ra áp lực về cân đối vốn đầu tư công của tỉnh.

MỚI - NÓNG