Dự án chậm tiến độ: Không để quýt làm cam chịu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bị kiện, nhưng trách nhiệm giải phóng mặt bằng dẫn đến dự án chậm lại là các địa phương. Tiền giao về các địa phương thực hiện, các địa phương phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Nhưng hiện nay không có một chế tài nào quy định như thế và trong các hợp đồng hiện nay chúng tôi đều bị kiện”, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu.
Dự án chậm tiến độ: Không để quýt làm cam chịu ảnh 1

3 đơn kiện đang giải quyết

Nêu ý kiến đóng góp vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết: Từ thực tiễn triển khai, Bộ GTVT thấy vướng mắc rất nhiều, đặc biệt là gói thầu EPC, vì "có liên quan đến các luật khác, rồi thanh tra, kiểm toán". Khi đã trọn gói thì phần tăng nhà thầu EPC đương nhiên không được tính, nhưng phần giảm thì bắt buộc phải giảm, các hợp đồng EPC hiện nay đều như thế.

“Lúc đấy chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu thì chúng ta phải giảm và nhà thầu sẽ kiện chúng ta trên trường quốc tế”, ông Huy nói. Theo Thứ trưởng Huy, hiện có 3 đơn kiện đang giải quyết ở trọng tài quốc tế.

“Viện Khoa học hình sự mới xác định được hồ sơ thật hay giả, chúng ta phải xử lý nghiêm các hành vi này. Xử lý càng nghiêm thì chúng ta mới càng có cơ hội minh bạch, trong sạch được”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy.

Vướng mắc khác dễ bị kiện, theo Thứ trưởng Huy là việc chậm tiến độ trong triển khai dự án, điển hình trong giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm nhiều năm. Điển hình dự án đang bị kiện và đàm phán với nhà thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chậm 5 năm về bàn giao mặt bằng cho họ.

“Hiện nay số kiện giá trị khá lớn. Còn trách nhiệm thực hiện là ai? Kiện là kiện chủ đầu tư – Bộ GTVT. Nhưng trách nhiệm giải phóng mặt bằng lại là các địa phương. Tiền giao về các địa phương thực hiện, các địa phương phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Nhưng hiện nay không có một chế tài nào quy định như thế và trong các hợp đồng hiện nay chúng tôi đều bị kiện. Đặc biệt nhà thầu trong nước chúng ta đàm phán được, nhưng nhà thầu nước ngoài, kể cả Bến Lức - Long Thành và đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều đang bị kiện và vấn đề này cũng đang rất phức tạp trong quá trình xử lý”, ông Huy cho hay.

Vấn đề khác, Bộ GTVT muốn quy định mạnh hơn trong lần sửa đổi này là nhà thầu phải chịu trách nhiệm về kê khai thông tin, giấy tờ của họ. Bởi thực tế, rất nhiều vụ án nhà thầu kê khai gian và cơ quan đấu thầu, tổ chuyên gia đấu thầu không thể xác định được.

“Viện Khoa học hình sự mới xác định được hồ sơ thật hay giả. Chúng ta phải xử lý nghiêm các hành vi này. Xử lý càng nghiêm, chúng ta mới càng có cơ hội minh bạch, trong sạch”, ông Huy nói.

“Vấn đề cuối cùng là các hành vi xử lý vi phạm với nhà thầu trong quá trình tham gia đấu thầu các dự án, đề nghị trong luật chế tài xử lý rất nghiêm. Ông vi phạm, chủ đầu tư cảnh cáo 3 lần là dứt khoát trong luật đưa vào cấm đấu thầu 3 đến 5 năm. Chỉ có như thế chúng ta mới sàng lọc đấu thầu không lẫn lộn trong quá trình đấu thầu và minh bạch hơn, rõ ràng hơn”, Bộ GTVT kiến nghị.

“Chấm bài và thực hiện khác nhau”

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, hiện nay tất cả các dự án EPC đều vướng hết, kể cả ODA, rồi các hợp đồng FIDIC (chủ yếu là đầu tư đường sắt) cũng đều vướng. Vướng ở đây chủ yếu do chuẩn bị đầu tư kém, từ khảo sát, thiết kế sơ bộ đến tổng mức đầu tư làm rất sơ sài và mang kết quả sơ sài này đi đấu thầu. Sau khi đấu thầu và trúng thầu, lại dựa vào đó để ký hợp đồng. Khi triển khai thì bắt đầu vướng, vướng từ sửa đổi thiết kế, rồi thay đổi về biện pháp thi công, thay đổi về vật liệu, thay đổi về giải pháp công nghệ, kể cả vấn đề năng lực…

Vấn đề khác, theo ông Minh là các nguồn vốn khác nhau, có cả vốn nước ngoài và vốn đầu tư công. Các nhà tài trợ đều có những yêu cầu riêng về các nguyên tắc giải ngân, điều kiện thanh toán, công tác nghiệm thu, rồi một số điều kiện trong hợp đồng.

“Một số điều kiện này là theo các điều ước quốc tế, rồi lại phối hợp với đầu tư công cho nên quá trình các chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi lựa chọn, rồi ký hợp đồng, đàm phán và gặp rất nhiều khó khăn, triển khai thực hiện cũng lại vướng”, Thứ trưởng Minh nêu.

Hay việc đầu tư cơ sở hạ tầng lớn cho các dự án EPC, ODA, FIDIC, thời gian đầu tư rất dài, quá trình thay đổi về chủ đầu tư, thiết kế, thay đổi biện pháp thi công, rồi giải phóng mặt bằng rất chậm…làm thay đổi rất nhiều thời gian dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai.

“Nguyên tắc khi quyết toán phải có bằng chứng, phải thực tiễn và nghiệm thu được. Giữa nghiệm thu và hồ sơ mời đấu thầu ban đầu không khớp nhau dẫn đến nhiều vụ án xảy ra”, ông Minh nói.

Vấn đề khác, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, năng lực chủ đầu tư và nhà thầu, thậm chí có nhà thầu còn phá sản, giải thể. Ngay từ hồ sơ mời thầu đã không rõ hoặc làm sơ sài, đến khi chọn được nhà thầu, ký hợp đồng, bắt đầu triển khai thực hiện lại khác với hồ sơ mời thầu ban đầu. “Tức là chấm bài và thực hiện khác nhau, dẫn đến thay đổi cả đơn giá, thay đổi cả chất lượng, xuất xứ, thay đổi nhiều dẫn đến xảy ra chuyện”, ông Minh nói.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, cần phân chia ra làm hai loại tài sản ngắn hạn và tài sản hình thành trong tương lai. Quá trình lựa chọn nhà thầu và đấu thầu đối với hai loại hình này nên có phân biệt và khác nhau.

“Luật Đấu thầu nên chọn được nhà thầu đủ năng lực, giá cả hợp lý và đánh giá được hiệu quả”, ông Minh lưu ý.

MỚI - NÓNG