Nhà đầu tư gửi đơn lên Thủ tướng
Liên danh Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị được tiến hành thu phí tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức BOT (gọi tắt là BOT Thái Nguyên - Chợ Mới).
Trong văn bản, liên danh nhà đầu tư gửi lên Thủ tướng phản ánh, họ không được thu phí, mỗi tháng phải trả 16 tỷ đồng lãi vay để thực hiện dự án. Đến nay, số lãi phải trả đã hơn 120 tỷ đồng, nhà đầu tư không được thu phí và vẫn phải quản lý đường, xử lý các điểm sụt trượt do mưa lũ.
BOT Thái Nguyên - Chợ Mới dài 65km, tổng mức đầu tư 2.713 tỷ đồng. Sau hơn hai năm triển khai thi công, dự án đã thông xe kỹ thuật vào tháng 3/2017 và được Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017. Trên cơ sở ý kiến của Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Nguyên và UBND tỉnh Bắc Kạn, ngày 28/10/2016, Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí của dự án này, bao gồm cả vị trí trạm thu phí.
Để được chính thức thu phí, nhà đầu tư cần quyết định thống nhất của Bộ GTVT và địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều tháng đề nghị, liên danh này vẫn chưa được thu phí nên đã kêu đến Thủ tướng. Sau khi nhận văn bản của nhà đầu tư, Văn phòng Chính phủ đã lập tức có công văn đề nghị Bộ GTVT xem xét giải quyết.
Ai đứng ra giải quyết?
Cách đây vài tháng, trước khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT nhiều lần họp với UBND tỉnh Thái Nguyên nhưng không đi đến thống nhất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND tỉnh Thái Nguyên đưa ra 3 phân vùng xung quanh trạm thu phí với nhiều phương án giảm giá sâu chưa từng thấy ở các dự án khác cho người dân địa phương và cán bộ địa phương.
Đơn cử, UBND tỉnh đề nghị miễn phí hoàn toàn cho người dân, cán bộ công tác sở hữu xe loại 1, loại 2 (xe từ nhỏ nhất đến 30 chỗ ngồi, xe tải đến 4 tấn và xe công cộng) ở khoảng cách 10 km. Với người dân ở địa bàn cách xa 20 km trở lên, tỉnh Thái Nguyên đề nghị miễn 50% giá vé. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên đề nghị nâng cấp thêm số đoạn cải tạo QL 37 kết nối nằm trong dự án này. Để đảm bảo khả năng thu hồi vốn, tỉnh Thái Nguyên đề nghị bố trí ngân sách đối ứng cho nhà đầu tư. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GTVT chưa thống nhất với các đề xuất này, vì lo lắng phương án tài chính dự án không đảm bảo, không đồng ý phát sinh thêm hạng mục và đề nghị các bên tiếp tục bàn bạc thống nhất.
Nhiều tháng qua, sự việc không được Bộ GTVT và tỉnh Thái Nguyên thống nhất khiến nhà đầu tư mắc kẹt. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công - người vừa tiếp quản quản lý dự án này từ khi Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nghỉ hưu (vào ngày 1/8/2017) cho hay: Ông đã kiểm tra dự án này 2 lần và đang giao cho Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) báo cáo và đề xuất phương án, đồng thời giao cho Tổng cục Đường bộ đàm phán với địa phương để lên phương án giảm giá cho các hộ dân gần trạm.
“Dự án cũng thuộc loại hình thi công tuyến mới, sửa tuyến cũ nhưng thu cả hai tuyến nên phương án đưa ra phải hài hoà lợi ích các bên, không để phát sinh như BOT Cai Lậy thứ 2. Chúng tôi đã chỉ đạo cụ thể, sẽ thống nhất sớm nhất có thể” - ông Công cho hay. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, vẫn chưa chốt lịch họp để chốt phương án chính thức. Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư Bộ GTVT phụ trách dự án này là ông Nguyễn Ngọc Long cũng chưa phản hồi khi chúng tôi đặt vấn đề.