ÐT Việt Nam ém quân: Lợi hay hại?

HLV Park Hang seo hướng dẫn các cầu thủ ÐTVN trong một buổi tập. Ảnh: VSI
HLV Park Hang seo hướng dẫn các cầu thủ ÐTVN trong một buổi tập. Ảnh: VSI
TP - Chưa đầy 3 tuần nữa là AFF Cup 2018 khởi tranh; các ÐT Malaysia, Myanmar, Lào và Campuchia ở bảng A thay nhau đá giao hữu nhằm đánh giá chất lượng đội hình, trong khi thầy trò HLV Park Hang-seo đang ém quân ở Trung tâm huấn luyện Paju (Hàn Quốc).

Việc chuẩn bị nghiêm túc của các đội tuyển cho ngày hội bóng đá khu vực quan trọng nhất năm cho thấy các đội đều muốn có vé vượt qua vòng bảng để vào bán kết. ĐT Lào đã có chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha 1 tuần, rồi sang Bangladesh dự giải giao hữu Bangabanhdu Gold Cup. ĐT Campuchia còn mời cả tuyển thủ Nhật Bản- Keisuke Honda, người vừa trở về từ World Cup 2018, nắm quyền HLV trưởng (nhưng chức danh là Giám đốc bóng đá vì thiếu bằng HLV) để quyết thoát phận lót đường.

Trong khi đó, Myanmar tăng cường sức mạnh cho đội tuyển với lứa cầu thủ từng dự World Cup U20 năm 2015 giờ đã trưởng thành. Myanmar thất bại 0-3 trước chủ nhà Indonesia rồi Afghanistan và Bolivia trên sân nhà. Sau đó, toàn đội Myanmar tới Qatar đá 3 trận giao hữu với các CLB của nước này cho chuyến tập huấn 2 tuần trước giải AFF Suzuki Cup.

ĐT Malaysia của HLV Tang Cheng Hoe đá giao hữu với Mông Cổ, Lebanon, Đài Loan, Campuchia, Fiji, Buhtan, Sri Lanka, rồi gặp Kyrgyzstan tại chảo lửa Bukit Jalil. Ngày 3/11, Malaysia sẽ có trận giao hữu cuối cùng gặp Maldives, trước khi chính thức bước vào AFF Suzuki Cup. Đội tuyển Olympic Malaysia từng đánh bại cả Hàn Quốc ở Asiad 2018. Đặc biệt, HLV Tan Cheng Hoe đã được LĐBĐ Malaysia (FAM) “bật đèn xanh” để lần đầu tiên trong lịch sử gọi cầu thủ ngoại nhập tịch vào đội tuyển nhằm tăng cường sức mạnh. Đó là tiền vệ Mohamadou Sumareh, người gốc Gambia. Malaysia vẫn sẽ là đội bóng mạnh trong khu vực và là đối thủ đáng gờm đối với đội tuyển Việt Nam.

Các đội trẻ VN như U19, U23 có thành tích tốt tại đấu trường châu lục nhưng về sân chơi Đông Nam Á thì chưa hẳn. Olympic VN và ĐTVN không có sự khác biệt nhiều, còn với Thái Lan, Indonesia và Malaysia thì ĐTQG có chất lượng rất khác với đội Olympic. Đó là điều đáng để suy nghĩ.

Người hâm mộ thấy thành tích U23 VN ở Thường Châu (Trung Quốc) đầu năm nay, rồi nhìn Olympic VN tại Asiad 18 - VN là đại diện duy nhất Đông Nam Á vào bán kết - đã vội khẳng định bóng đá VN là vua Đông Nam Á. Thực tế, bóng đá trẻ và cấp đội tuyển quốc gia có sự chênh lệch rất lớn mà ta thì đang sử dụng kiểu “2 trong 1”.

Nhìn lại những kỳ AFF Cup gần đây, chúng ta đều thua hai đối thủ Malaysia và Indonesia. Tại AFF Cup 2010, chúng ta bị Malaysia loại ở bán kết; tại AFF Cup 2012, bị loại ngay sau vòng bảng; tại AFF Cup 2014 và 2016, lại bị Malaysia và Indonesia lần lượt loại ở bán kết. Đó là chưa kể “ông kẹ” Thái Lan 2 lần liên tiếp vô địch.

Đặc biệt là sau khi ở cấp độ U23 châu Á và Olympic, bóng đá VN đạt những thành tựu nhất định, chắc chắn các đối thủ sẽ e ngại và nghiên cứu kỹ các bài vở, mảng miếng. Đó sẽ là một thách thức lớn mà thầy trò HLV Park Hang-seo phải lưu ý.

Tròn một năm đến Việt Nam làm việc nhưng HLV Park Hang-seo chưa có trận giao hữu quốc tế nào ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Lần gần nhất đội tuyển Việt Nam thi đấu một trận giao hữu quốc tế là ngày 22/3/2017. Khi đó, HLV Nguyễn Hữu Thắng đang nắm quyền. Công Phượng và đồng đội có trận hòa 1-1 trước Đài Loan trên sân Hàng Đẫy.

Những địch thủ của Việt Nam qua các trận giao hữu đã mắc sai lầm tai hại nhưng đó là những thử nghiệm để chỉnh quân. Còn ĐTVN tập huấn ở Hàn Quốc thì không khác việc đoàn quân của HLV Hữu Thắng tập huấn ở Hàn Quốc trước thềm SEA Games 2017. Nên chưa thể nói đá giao hữu hay ém quân tập luyện là tốt cho ĐTVN tại AFF Cup.

MỚI - NÓNG