Ngày 11/4, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận cấp cứu cho một trường hợp bị đột quỵ. Bệnh nhân là ông P.V.H (46 tuổi, ngụ tại TPHCM) được gia đình chuyển đến trong tình trạng đột ngột liệt tay trái, méo miệng.
Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán bị rung nhĩ và được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kháng đông để dự phòng, ngăn chặn nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tự ý bỏ tái khám và ngừng sử dụng thuốc. Năm ngày sau khi bỏ thuốc, trong lúc ngồi làm việc bệnh nhân đã rơi vào đột quỵ phải nhập viện cấp cứu.
Người có nguy cơ đột quỵ cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng |
TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ thiếu máu não do tắc mạch máu lớn nội sọ do huyết khối. Người bệnh được chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học tái thông mạch máu. Sau can thiệp, người bệnh đã phục hồi vận động nửa người bên trái và đang tiếp tục được theo dõi điều trị.
Theo các bác sĩ, việc người bệnh chủ quan bỏ thuốc kháng đông máu khi đang điều trị dự phòng có thể là nguyên nhân dẫn đến biến chứng đột quỵ. Đây là một trong những biến chứng đáng sợ nhất của bệnh rung nhĩ - một trong những nguyên nhân gây đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua (cơn đột quỵ nhẹ).
TS.BS Bá Thắng cho biết, rung nhĩ là tình trạng tim đập loạn nhịp, gây ứ trệ máu trong buồng tim dẫn đến hình thành những cục huyết khối trong tâm nhĩ. Các cục huyết khối này có thể trôi theo dòng máu và gây tắc mạch, trường hợp tắc mạch máu não sẽ dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ khuyến cáo, mỗi người bệnh rung nhĩ và thiếu máu não thoáng qua nên chủ động tầm soát đột quỵ một đến hai lần mỗi năm. Bên cạnh đó, cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo đúng chỉ định và tái khám đầy đủ để được bác sĩ theo dõi, điều chỉnh thích hợp. Người bị thiếu máu não thoáng qua thường có nguy cơ tái phát đột quỵ cao do đó bệnh nhân cần xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, thói quen sinh hoạt lành mạnh để hạn chế tối đa các biến chứng.