Đột phá từ khu vực kinh tế Nhà nước

Đột phá từ khu vực kinh tế Nhà nước
TP - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng cần đột phá từ chính khu vực kinh tế Nhà nước. (Tiếp theo kỳ 1 ra số 127, ngày 7-5)

Không thể tiếp tục tư duy tăng trưởng sùng bái con số
> Phải xây dựng được những thương hiệu mạnh của quốc gia

Tái cấu trúc nền kinh tế cần đột phá từ khu vực kinh tế Nhà nước Ảnh: Hồng Vĩnh
Tái cấu trúc nền kinh tế cần đột phá từ khu vực kinh tế Nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh.

TS Nguyễn Đình Cung nói: Chúng ta nên đột phá, thay đổi lại từ khu vực kinh tế Nhà nước, đó là thay đổi tư duy hoạch định chính sách và đặt các đơn vị này hoạt động trong cơ chế thị trường; thứ hai là thay đổi cách quản lý ngân sách, quản lý đầu tư Nhà nước, cải cách mô hình quản trị để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Đột phá khu vực kinh tế Nhà nước cũng là đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Theo ông đột phá nên bắt đầu từ đâu?

Rõ ràng không phải chúng ta cứ tăng vốn, tăng đầu tư mãi cho các DNNN, hoặc tăng những ưu đãi mãi được. Mà phải để các DN này hoạt động dưới áp lực cạnh tranh bình đẳng với các khu vực khác. Đồng thời, phải đổi mới căn bản công tác quản trị các DN, tập đoàn theo một khung thông lệ phổ quát nhất.

Không phải chúng ta tăng đầu tư mà là quản lý đầu tư minh bạch theo cơ chế thị trường, từng bước phải giảm những ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực này, tiến tới không bao cấp nữa.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến việc để các DNNN vận hành theo cơ chế thị trường. Rất khó có thể định nghĩa về một thị trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nhưng cần nhìn nhận đó là một môi trường kinh doanh mà ở đó, các nhà đầu tư dài hạn, dấn thân, có sáng kiến đổi mới phải được hưởng thành quả một cách xứng đáng những gì họ bỏ ra.

Môi trường đó luôn thúc đẩy các nhà đầu tư như vậy phát triển, chứ không khuyến khích những hành vi mua bán dự án, tìm kiếm mối quan hệ. Phải loại trừ những hành vi mang tính chất đầu cơ như thế. Còn với các ngành độc quyền, Nhà nước cũng cần phải điều tiết những ngành đó để nó phải hoạt động minh bạch hơn trong cơ chế thị trường.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Nguyễn Đình Cung .
 

Vai trò kinh tế Nhà nước có tầm quan trọng đặc biệt, để phát huy tốt vai trò đó, tới đây các Tập đoàn cần phải làm những gì?

Nghị quyết cũng đã xác định rất nhiều vấn đề, nhưng tôi nghĩ, ngoài hai điểm đã nói ở trên, cần minh bạch hóa thông tin của khu vực DNNN theo tiêu chí ít nhất là như với các Cty cổ phần niêm yết hiện nay. Thậm chí, tiêu chí công khai minh bạch đối với DNNN phải khắt khe hơn, cao hơn. Bởi các Cty CP đại chúng chỉ có một số lượng cổ đông nhất định, nhưng DNNN toàn dân là cổ đông, là chủ sở hữu cho nên tính đại chúng của DNNN còn lớn hơn nhiều.

Vì vậy, buộc anh phải công khai hóa, minh bạch thông tin với một tiêu chuẩn khắt khe về tình hình sản xuất, tài chính của anh. Trước mắt, chúng ta chỉ cần lấy những tiêu chuẩn như với các Cty CP đại chúng ở VN hiện nay, chứ chưa cần so với thị trường chứng khoán như Thượng Hải, Luân Đôn.

Cùng với minh bạch tài chính, theo ông phải đổi mới công tác quản trị DNNN như ra sao?

"Phải khuyến khích DN làm ra lợi nhuận bằng cách đầu tư thực sự, đầu tư lành mạnh. Nếu chúng ta không làm được như vậy, thì chính kiểu kinh doanh chụp giật, tìm kiếm lợi nhuận từ quan hệ xin- cho sẽ quay trở lại triệt tiêu những nhà đầu tư lành mạnh, những người dấn thân trong thương trường." - TS Nguyễn Đình Cung.

Như tôi đã nhấn mạnh phải đổi mới khâu quản trị, mà trong đó cần tách bạch các chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh của DN một cách rõ ràng. Như vậy, phải có một cơ quan chuyên trách độc lập để thực hiện chức năng quyền chủ sở hữu Nhà nước đối với các DNNN. Các bộ sẽ không thực hiện chức năng này nữa. Nếu đổi mới quản trị theo thông lệ như vậy sẽ là một nguyên tắc rất tốt.

Tức là không nên để cho các bộ tham gia vào việc quản lý các DNNN nữa, hay như một số người nói là không để các bộ trực tiếp làm kinh tế nữa?

Không phải không nên, mà các bộ không được làm chức năng chủ sở hữu nhà nước. Để tách bạch, cần phải có một cơ quan chuyên trách độc lập và rất chuyên nghiệp. Cơ quan này sẽ chỉ thực hiện quản lý tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, DN nhà nước.

Đó là một cơ quan bao trùm lên các bộ, hoặc ít nhất là ngang bộ, nhưng là cao nhất về thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước. Chúng ta cần thiết lập một định chế để vận hành, thậm chí Quốc hội có thể ban hành một luật riêng về vấn đề này.

Không đầu tư dàn trải

Lâu nay, chúng ta đã tập trung đầu tư theo chiều rộng vào cơ sở hạ tầng, có địa phương trở thành đại công trường, tuy nhiên hiệu quả không cao?

Không thể cứ đầu tư theo kiểu dàn trải mãi, vì sẽ không phát huy hiệu quả. Để có tăng trưởng cao, chúng ta không thể tách rời việc phát triển nhanh hệ thống hạ tầng. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng, tuy nhiên đó là cách làm dàn trải.

Vấn đề là phải đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn ở những khu vực trọng điểm, những khu vực đang phát triển nhanh. Tức là chúng ta sẽ không đầu tư nhiều nơi cùng một lúc mà phải giải quyết dứt điểm nhu cầu hạ tầng tại một khu vực nào đó đang rất cần kíp, đang bức xúc để thúc đẩy tăng trưởng.

Một thời gian có tình trạng các địa phương mạnh ai nấy làm. Ví như thấy cà phê có lãi thì đổ xô đi trồng cà phê, sau đó mất giá lại đồng loạt chặt cà phê?

Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển theo cách thức truyền thống, hay cách phân cấp giữa chính quyền T.Ư và địa phương. Phải lấy vùng làm trung tâm phát triển kinh tế. Xóa bỏ ranh giới hành chính địa phương trong tư duy phát triển bằng ranh giới vùng để có một không gian phát triển kinh tế rộng hơn.

Với tư duy phát triển vùng, các dự án trong đó không bị bó hẹp trong một địa phương, không tự cạnh tranh, loại trừ lẫn nhau mà nó sẽ phối hợp, bổ sung cho nhau phát triển tốt hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG