Bắc Giang ban hành nghị quyết riêng về hoạt động Đoàn:

Đột phá chất lượng đội ngũ chuyên trách

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Nghị quyết 165 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. PV báo Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang về Nghị quyết được đánh giá có nhiều đột phá này.
Đột phá chất lượng đội ngũ chuyên trách ảnh 1

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang (thứ 4 từ phải sang) trong buổi đối thoại với thanh niên

Số hoá 30% hoạt động đoàn

Thưa ông, vì sao Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang lại có nghị quyết riêng về công tác Đoàn và cán bộ đoàn chuyên trách trong tình hình hiện nay?

Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đưa tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế (GRDP) đứng đầu cả nước vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân; trong đó, lực lượng thanh niên có vai trò rất quan trọng. Đồng thời, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang luôn xác định rõ xây dựng đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề về hoạt động của tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn đã và đang cần phải được xem xét một cách khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn, nhất là trước thời điểm diễn ra đại hội Đoàn các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027. Vì vậy, Nghị quyết được ban hành với mong muốn khơi dậy khát vọng vượt lên mạnh mẽ của thanh niên để cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Bắc Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Đột phá chất lượng đội ngũ chuyên trách ảnh 2

Đoàn viên, thanh niên ở Bắc Giang hỗ trợ nông dân thu hoạch vải thiều trong đợt dịch COVID-19 vừa qua

Việc tập hợp thanh niên, nhất là ở khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) chưa rõ nét. Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng đầu, Bắc Giang giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Bắc Giang đang nỗ lực vươn mình, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế. Các DN tìm đến đầu tư trên địa bàn ngày càng tăng. Lượng công nhân sau đỉnh dịch COVID-19 tại Bắc Giang tăng hơn cả trước dịch. Đó là chuyển biến tích cực nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong tập hợp thanh niên.

Xác định rõ khó khăn này, trong Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ rất cụ thể. Trong đó, chúng tôi giao cho Tỉnh Đoàn tổ chức đánh giá, tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình như “Câu lạc bộ nhà trọ thanh niên công nhân”, “Câu lạc bộ ly nông bất ly hương”… Đây là nội dung đã được làm khá tốt, nhưng trước tình hình hiện nay, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cần phải đánh giá, thiết kế lại.

“Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phải quán triệt, thống nhất nhận thức, nắm rõ được trách nhiệm được giao trong nghị quyết, thống nhất ý chí và hành động bằng lộ trình, kế hoạch bài bản. Để thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm thực hiện, Nghị quyết nêu rõ: Đưa kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đoàn trở thành một tiêu chí trong đánh giá, xếp loại hàng năm của tổ chức Đảng”.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái

Thứ hai là đổi mới hình thức sinh hoạt phù hợp với nhu cầu chính đáng, sở thích, thị hiếu của thanh niên và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Nghị quyết yêu cầu thí điểm việc tổ chức sinh hoạt đoàn bằng hình thức trực tuyến, trên các nhóm mạng xã hội; trong đó, yêu cầu 30% hoạt động của Đoàn diễn ra trên môi trường mạng.

Thứ ba, chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Khối DN tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh và các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu thành lập tổ chức Đoàn, hội của thanh niên tại KCN, CCN. Việc này được giao có thời hạn cụ thể, muộn nhất là vào năm 2025.

Tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị

Theo ông, cán bộ đoàn cần có những tố chất, tiêu chuẩn nào?

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc” và “đổi mới sáng tạo”… Thanh niên là lực lượng đông đảo, trẻ trung nên phải thấm nhuần khát vọng, mục tiêu đó và xung kích, đi đầu thực hiện.

Phẩm chất đầu tiên của cán bộ đoàn phải là yêu nước, yêu chế độ chủ nghĩa xã hội; sống có lý tưởng, hoài bão. Thứ hai, phải có tri thức, linh hoạt, sáng tạo, có chí tiến thủ và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Thứ ba, phải có sức khỏe, kỹ năng, sẵn sàng chủ động hội nhập và có bản lĩnh vững vàng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thứ tư, có lối sống lành mạnh, lạc quan, khiêm tốn, cầu thị, có trái tim nhân hậu, biết yêu thương con người, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường sống.

Đó là những phẩm chất chung. Nghị quyết còn đưa ra những định hướng cụ thể về năng lực; trong đó, nhấn mạnh đến năng lực về công nghệ thông tin và ngoại ngữ; khuyến khích cán bộ đứng đầu tổ chức Đoàn cấp huyện, tỉnh phải sử dụng được ngoại ngữ để giao tiếp.

Việc tuyển dụng, bố trí công tác cho cán bộ đoàn được đặt ra trong nghị quyết rất linh hoạt và cụ thể. Phải chăng, tỉnh đang muốn có một sự thay đổi thực sự về cách thức tuyển dụng đội ngũ cán bộ đoàn?

Đúng vậy! Đặc thù của cán bộ đoàn là trẻ, độ tuổi công tác đoàn có giới hạn nên đòi hỏi bổ sung thường xuyên. Trong khi, cách thức tuyển dụng cán bộ đoàn cơ bản thực hiện như đối với công chức, viên chức; có chỗ này chỗ kia còn khép kín, không gắn với bố trí, sử dụng cán bộ. Tính tiên phong, gương mẫu của một số cán bộ đoàn chưa cao, thiếu sáng tạo, linh hoạt, thiếu các kỹ năng hội nhập quốc tế, kỹ năng, phương pháp làm việc và trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế.

Vì vậy, trong Nghị quyết chúng tôi đưa ra nhiều chủ trương về việc này. Trong đó, có thể nghiên cứu kỳ thi tuyển riêng đối với cán bộ đoàn chuyên trách. Độ tuổi tuyển dụng không quá 25 để có thời gian trưởng thành, cống hiến và phấn đấu. Ngoài ra, chú trọng việc bố trí, sắp xếp cán bộ trẻ ngoài cơ quan chuyên trách của đoàn, có đủ điều kiện, năng lực nổi trội giữ các chức danh chủ chốt trong các cấp bộ Đoàn để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho hệ thống chính trị. Đặc biệt, đối với sinh viên giỏi, xuất sắc, có đầy đủ các điều kiện về năng lực, trình độ, được Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện phối hợp với các cơ quan tổ chức cấp ủy, chính quyền cùng cấp giới thiệu tham gia bầu chức danh Bí thư Đoàn cấp xã khi khuyết thiếu.

Thưa ông, ở nhiều nơi, việc bố trí, sắp xếp công việc đối với cán bộ đoàn hết tuổi chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sát, dẫn đến tình trạng “bí đầu ra” cho cán bộ đoàn. Bắc Giang sẽ tháo gỡ nút thắt này ra sao trong thời gian tới?

“Bí đầu ra” đối với cán bộ đoàn khi hết tuổi là tình trạng chung ở nhiều địa phương. Để tháo gỡ, Nghị quyết đưa ra đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách, từ tuyển dụng, tiếp nhận, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và điều động, luân chuyển. Trong đó, sẽ quan tâm quy hoạch cán bộ đoàn có đủ năng lực, điều kiện tiêu chuẩn, có triển vọng phát triển vào vị trí ngoài hệ thống đoàn để vừa tạo nguồn cán bộ trẻ cho hệ thống chính trị, vừa tháo gỡ vướng ở “đầu ra” đối với cán bộ đoàn.

Anh Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang:

Tháo gỡ “nút thắt” đầu ra cho cán bộ đoàn

Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 165 một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt, sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với tổ chức Đoàn. Tôi tâm đắc với nhiều nội dung của nghị quyết.

Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách, nghị quyết đưa ra các giải pháp đồng bộ, đột phá về nâng cao chất lượng cán bộ đoàn chuyên trách từ tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển. Đặc biệt, nghị quyết 165 chỉ ra những giải pháp nhằm tháo gỡ “nút thắt” về “đầu ra” đối với cán bộ đoàn.

Về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nghị quyết đặt ra những mục tiêu, giải pháp rất cụ thể như: Tăng tỷ lệ đoàn kết, tập hợp thanh niên trong tổ chức đoàn đạt ít nhất 65%; phấn đấu thành lập tổ chức đoàn, hội tại KCN vào năm 2025; phấn đấu 30% các hoạt động của đoàn được thực hiện trên môi trường số.

Để thực hiện điều đó, bản thân mỗi cán bộ đoàn phải không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ. Nghị quyết đưa ra các định hướng cụ thể, chẳng hạn khuyến khích cán bộ đoàn học bằng đại học thứ hai; tập trung vào ngành luật, kinh tế và ngoại ngữ.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG