Phế liệu là nguồn sống chính
Thôn Trung Văn, xã Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) vốn là một làng nghề truyền thống về thu gom và tái chế phế liệu. Cách đây một vài năm, đến Trung Văn người ta chỉ thấy rác ngập ngụa và mùi nhựa khét lẹt từ đầu đến cuối làng. Nhưng đến nay các dự án xây dựng khu đô thị mới trên địa bàn xã đã làm bộ mặt của làng có nhiều thay đổi tích cực. Rác không còn tràn ra lòng đường, ngập trên mặt sông nữa mà được thu vén gọn gàng xung quanh các xưởng tái chế. Tuy nhiên, mùi nhựa cháy vẫn là “hương vị” đặc trưng của làng nghề này.
Đến đầu làng, có thể dễ dàng chứng kiến cảnh những cửa hàng thu mua phế liệu với những đống nilon, vỏ chai, sắt thép vụn được chất thành đống cao quá đầu người. Trên những con đường vào làng đâu đâu cũng thấy ô tô, xe máy chở phế liệu và hàng thành phẩm. Các xưởng phế liệu nằm đan xen trong khu dân cư khiến các con ngõ nhỏ càng thêm chật hẹp vì xe cộ đi lại tấp nập.
Chú N, trước đây là một công nhân chạy máy cho một xưởng tái chế nhưng do sức khỏe yếu phải nghỉ việc để bán nước ở đầu làng. Trước đây, người dân trong làng đều theo nghề tái chế rác, một phần đi thu mua, một phần mở xưởng rồi thuê luôn người làng làm công nhân... Đến nay, người trong làng chủ yếu là làm chủ còn công nhân thuê từ các nơi khác đến làm.
Hiện nay, trên địa bàn có khoảng hơn 20 xưởng còn chạy máy hoạt động liên tục. Xưởng tái chế Thảo Vỹ ở xóm 16 là một xưởng tái chế lớn nhất nhì làng với hai giàn máy tái chế và hơn 20 công nhân làm việc 24/24. Xưởng này chuyên tái chế các loại túi ni lông, chai lọ... thành các loại hạt nhựa thành phẩm. Theo quan sát thì nhà xưởng làm bằng nhiều tấm tôn ghép nối với nhau tạo thành.
Trong xưởng các loại túi ni lông được chất thành đống trước khu vực công nhân ngồi phân loại. Riêng khu vực máy nằm tách biệt phía cuối xưởng giáp với bờ sông. Có 3 loại máy chạy liên tục dưới sự điều khiển của 3 thanh niên to khỏe các loại túi nilon nhanh chóng biến thành các loại hạt nhựa tái chế. Chị H, một công nhân làm việc hơn 4 năm tại xưởng cho biết: Mỗi ngày xưởng làm ra hơn 2 tấn hạt nhựa thành phẩm các loại, có những ngày công nhân phải làm suốt ngày đêm mà vẫn không đủ hàng để bán.
Hệ thống máy tái chế nhựa trong xưởng tái chế.
Không có nhiều nhân công nên xưởng tái chế của vợ chồng chị Liên ở xóm 16 chỉ sản xuất được 3 - 5 tạ hạt nhựa mỗi ngày nhưng làm đến đâu đều bán hết đến đấy. Chị Liên cho biết: Gia đình chị đã sống bằng nghề này nhiều năm nay chị biết nghề này độc hại nhưng bỏ nghề gia đình chị không biết phải làm gì để sống.
Khám phá công nghệ tái chế phế liệu
Từ các loại bao ni long được phân loại, các xưởng tái chế có thể cho ra nhiều loại hạt nhựa thành phẩm có chất lượng khác nhau. Hiện xưởng tái chế Thảo Vỹ có thể tạo ra 5 – 6 loại hạt nhựa, hầu hết các xưởng chỉ tạo ra 2 loại hạt chính là hạt loại A có màu trắng trong dùng làm các hộp nhựa, ống hút, dây nilong hay túi nilon màu trắng..., và nhựa loại B xấu hơn có màu trắng đục và hơi xám được dùng làm các loại dây kiện, dây thừng... Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo vệ mô trường làng nghề, nhiều xưởng đã có sự đầu tư nhiều hơn cho các loại máy móc hiện đại.
Theo tìm hiểu, quy trình tái chế phế liệu thành hạt nhựa cũng không có gì phức tạp, đều gồm các bước như sau:
Trước tiên người ta rửa sạch nguyên liệu trong một bể nước rộng hơn 3m rồi phơi khô. Có những nơi nguyên liệu sau phân loại được cho vào máy quay cho sạch bụi bẩn rồi cho vào máy băm nhỏ nguyên liệu. Sau đó chuyển sang máy nấu có nhiệt độ 380 độ C để cho ra những dải nhựa mềm và chuyển sang máy tạo hạt để thổi ra hạt nhựa. Nguyên liệu nhựa đã xay nhỏ được đổ từng mẻ vào lò nấu, nhựa nóng trên 100 độ C bắt đầu chảy ra theo các khuôn ống dây dẫn đường kính khoảng 2mm.
Những ống dẫn này được chạy qua hệ thống làm lạnh bằng nước nhằm định hình các dây nhựa trước khi đưa đến máy cắt. Tại đầu máy cắt, dây nhựa được cắt thành từng mẩu nhỏ có kích thước khoảng 2mm, thành các hạt nhựa thành phẩm rồi đóng bao xuất bán cho các nơi tái chế thành đồ nhựa thành phẩm. Nếu đầu vào là nhựa cao cấp thì sau khi cắt, phân loại riêng, bởi chúng có hạt màu trắng. Còn loại nhựa tạp thì hạt màu hoặc đen.
Mỗi ngày cơ sở này có thể làm ra từ 1 đến 2 tấn sản phẩm hạt nhựa, tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu. Đa số các cơ sở tái chế ở Trung Văn chỉ làm đến công đoạn tạo ra hạt nhựa và bán lại sản phẩm các cơ sở khác.
Theo Nguyễn Nguyên