Ðồng thuận để giữ vững chủ quyền trên biển Ðông

Tàu Trung Quốc vi phạm trên biển Đông - Ảnh: Reuters
Tàu Trung Quốc vi phạm trên biển Đông - Ảnh: Reuters
TP - Sáng 28/10, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo riêng về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019, trong đó có vấn đề biển Đông.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu khẳng định quan điểm nhất quán “không nhân nhượng vấn đề chủ quyền”. Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh chủ quyền là thiêng liêng, đồng thời ủng hộ biện pháp đấu tranh “mềm dẻo”, không nóng vội. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, những hoạt động về chính trị ngoại giao của Việt Nam vẫn đang rất hiệu quả.

Nói về việc tàu Hải Dương 8 đã rời khỏi vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, đó là kết quả đấu tranh rất hiệu quả của Việt Nam. “Phải xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, đừng nóng vội. Vấn đề quan trọng là giữ được biên giới, lãnh thổ, chủ quyền trên biển Đông”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, xưa nay ông cha ta đã rất biết cách ứng xử trong bảo vệ chủ quyền, có những thời kỳ kéo dài hơn 3 thế kỷ. Điều đó cho thấy, chúng ta luôn biết cách sống với láng giềng, và vẫn giữ được tự chủ chính trị, tự chủ văn hoá. “Điều quan trọng nhất là làm sao có sự đồng thuận”, ông nhấn mạnh.

“Rất nhiều lần đại biểu Quốc hội, trong đó có cá nhân tôi đều mong muốn Quốc hội có thái độ rõ ràng. Đối phó với tình hình trên biển là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhưng càng khó, càng phức tạp thì càng phải tìm sự đồng thuận của người dân”, ông Quốc bày tỏ.

Báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội trước đó, Chính phủ cho biết, tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.    

MỚI - NÓNG