Tổng giám đốc GTSOU Serhiy Makogon tuyên bố sẽ dừng cho khí đốt của Nga chảy qua một trạm của Ukraine từ ngày 11/5. (Ảnh: Getty) |
Đơn vị vận hành GTSOU nói rằng việc cho khí đốt của Nga chảy qua trạm Novopskov ở khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát sẽ dừng từ ngày 11/5. Đơn vị nói rằng trạm này cho phép khoảng 1/3 lượng khí đốt chảy từ Nga sang Tây Âu, còn tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đưa ra con số 1/4.
Bước đi mới đánh dấu lần đầu tiên nguồn cung khí tự nhiên bị ảnh hưởng vì cuộc xung đột nổ ra từ ngày 24/2. Diễn biến này có thể buộc Nga phải chuyển dòng khí qua vùng đất mà Ukraine đang kiểm soát để có thể đến với khách hàng ở châu Âu. Gazprom ban đầu tuyên bố họ không thể làm điều này, dù dữ liệu sơ bộ cho thấy khí đốt từ Nga chạy qua trạm thứ hai trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát nhiều hơn trạm Novopskov.
Đơn vị vận hành nói rằng họ chặn dòng khí này vì sự can thiệp từ “lực lượng chiếm đóng”, khiến khí đốt bị hụt rõ ràng, vì thế Nga có thể chuyển sang Sudzha, một trạm khác ở miền bắc Ukraine mà Kiev đang kiểm soát. Tuy nhiên, phát ngôn viên Gazprom Sergei Kupriyanov cho rằng điều này “bất khả thi về kỹ thuật” và nghi ngờ lý do dòng khí bị chặn.
Nguy cơ gián đoạn một nguồn cung khí đốt quan trọng lập tức gây tác động lên thị trường, trong bối cảnh giá cả nhiên liệu vốn đã tăng cao vì cuộc xung đột và quyết định gần đây của Nga về việc dừng cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Giá gas trên sàn TTF Hà Lan tăng mạnh trong chiều 10/5 rồi giảm đôi chút, để kết thúc với mức tăng 3,4% so với ngày trước đó, lên mức 97 euro cho mỗi megawatt/giờ.
Giá gas TTF của châu Âu sáng nay (giờ châu Âu) tăng hơn 6,4% so với hôm qua, theo số liệu trên trang Refinitiv.
Trước diễn biến này, dòng khí đốt từ Nga chảy qua Ukraine vẫn tương đối ổn định, bất chấp xung đột đang diễn ra. Tuy nhiên, giới chức Ukraine nhiều lần phàn nàn về hành động của Nga và cảnh báo nguy cơ chặn dòng chảy.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Yuriy Vitrenko, giám đốc điều hành của Naftogaz – công ty năng lượng quốc gia của Ukraine – nói rằng quân Nga hay vào các cơ sở gas và cố can thiệp vào hệ thống vận hành của Ukraine.
Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại hãng quản lý tài sản BlueBay, cho biết ông ngạc nhiên vì Ukraine không chặn nguồn năng lượng của Nga sang châu Âu sớm hơn, trong khi châu Âu vẫn chưa áp lệnh cấm vận với năng lượng của Nga.
“Nga đã tấn công vào các trạm nhiên liệu của Ukraine, vì thế đây có thể là cách đáp trả của Kiev”, ông Ash nói với CNBC.
Nguy cơ mất nguồn cung khí đốt từ Nga khiến Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm nguồn thay thế, vì Nga chiếm tới khoảng 40% lượng khí đốt mà EU nhập khẩu.
Các thương nhân và chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng một lệnh cấm vận năng lượng hoàn toàn sẽ gây tác động khủng khiếp lên giá cả và lạm phát. Bill Perkins, một thương nhân kỳ cựu trong ngành khí đốt, nói với CNBC rằng điều này có thể gây ra “sự thảm khốc về giá cả” trong mùa đông năm nay.