Đầu tư công-cha chung không ai khóc, Bài 5:

Đồng ruộng khát khô bên công trình cấp nước bỏ hoang

Công trình cấp nước tập trung tại thôn Bằng Sơn bị bỏ hoang
Công trình cấp nước tập trung tại thôn Bằng Sơn bị bỏ hoang
TP - Mùa khô nào, Tây Nguyên cũng diễn ra điệp khúc thiếu nước sinh hoạt, cây trồng khát cháy, mất mùa vì hạn. Thế nhưng, nghịch lý thay, nhiều dự án cấp nước tập trung, kênh mương... phục vụ sản xuất được đầu tư tiền tỷ bị bỏ hoang.

“Tôi không biết”

Ở Kon Tum có dự án Trung tâm giống nông lâm nghiệp được UBND tỉnh này phê duyệt từ năm 2005, giao Trung tâm khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Sau đó, dự án này được đầu tư hơn 17 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương cấp qua Chương trình phát triển giống thủy sản và được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Theo thiết kế, dự án này rộng hơn 20 ha, gồm 45 ao với năng lực cung cấp khoảng 1 triệu con cá giống/năm, đặt ở thôn 7, xã Đắk La (huyện Đắk Hà).

Thế nhưng, đặt chân đến đây, phóng viên (PV) tận thấy các hồ chứa đều cạn, lòng hồ cỏ mọc um tùm. Cùng với đó, các hạng mục công trình gần như xuống cấp. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Kon Tum, công trình bị bỏ hoang do... “thiếu nước”. Trước tình hình này, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum đã ký quyết định thu hồi đất của Dự án Trung tâm giống nông lâm nghiệp và giao đất cho UBND huyện Đắk Hà quản lý, sử dụng. Ông Hà Tiến - Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà cho biết, huyện Đắk Hà sẽ quy hoạch khu vực này làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cũng có kênh dẫn nước đầu tư khoảng 28 tỷ đồng do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi 8 (Ban 8 - Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Thế nhưng, công trình làm xong 8 năm nhưng chưa một lần sử dụng. Trong khi đó, mùa khô vùng biên này như “chảo lửa” thiêu trụi mọi cây trồng. Nông dân muốn cứu cây trồng phải bỏ vài chục triệu đồng đào ao, khoan giếng.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, kênh dài khoảng 6 km, đi qua xã Cư M’lanh và thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp). Tuyến kênh này nằm trong dự án Hồ Ea Súp Thượng, khởi công từ năm 2010 và đưa vào sử dụng năm 2012 song chưa một lần dẫn nước. Chúng tôi liên hệ với ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban 8 về việc tuyến kênh làm xong không đưa vào sử dụng và hướng xử lý tiếp theo.

Ông Vượng trả lời: “Tôi không biết. Dự án bàn giao năm 2012, được 8 năm rồi. Nhà báo tìm hiểu lại xem đơn vị quản lý thế nào”. Tiếp tục “gõ cửa” đơn vị quản lý là Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, ông Trần Thế Hoan, Giám đốc công ty cho biết, Ban 8 chỉ bàn giao kênh chính, không có kênh nhánh dẫn nước tưới. “Ông Vượng (Giám đốc Ban 8-PV) phát ngôn với báo chí rằng hết trách nhiệm vì đã bàn giao cho công ty là không hợp lý. Vì Ban 8 chỉ bàn giao kênh chính, còn kênh nhánh và diện tích tưới không có làm sao đưa vào khai thác. Lâu ngày mưa gió, kênh xuống cấp, chúng tôi không có kinh phí tu sửa, mà sửa rồi không sử dụng lại lãng phí thêm. Việc này tôi có ý kiến lên cấp trên nhiều lần rồi”.

110 công trình thành “phế liệu”

Tại huyện vùng biên Ea Súp cũng có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung “đóng băng”. Ông Vương Huấn Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Rốk cho hay, công trình cấp nước sinh hoạt xây dựng từ năm 2008-2009 với kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng, đặt 2 địa điểm: Cụm 1 đặt ở thôn 11, cụm 2 tại thôn 14+19. Cụm 1 xây xong hoạt động được hơn 4 năm thì “đắp chiếu”; Cụm 2 hoạt động cầm chừng được vài tháng rồi dừng hẳn. Theo ông Trúc, xã là đơn vị thụ hưởng. Khi nhận bàn giao, xã đã thuê người trông coi, vận hành nhưng vì nhiều lý do (đường ống dẫn nước, máy bơm hư hỏng; giếng cạn nước; dân ít dùng nên tiền thu về không đủ chi phí vận hành...) nên dừng. Chị Trương Thị Thực (thôn 11, xã Ea Rốk) cho hay, đã có giếng khoan và bình lọc nước để nấu ăn. Riêng nước uống, chị mua nước bình cho an toàn. Nếu đợt sau nước máy đảm bảo tiêu chuẩn, chị mới dùng.

Hiện công trình này đang được “cấp cứu” bằng cách rót thêm nhiều tỷ đồng vào sửa chữa. Một hộ dân thôn 14 nói: “Trước kia họ xây dựng cũng không khảo sát nhu cầu của dân, giờ bỏ hoang rồi lại sửa tiếp thật lãng phí. Người dân ở đây đã khoan giếng, giờ phải bỏ tiền ra mua nước rất khó, có chăng chỉ dùng ít tháng mùa nắng. Chính quyền nên nhường các công trình cấp nước này cho những nơi cần thiết hơn, đừng nhận về xây rồi bỏ hoang. Tiền nhà nước cũng là tiền của dân”.

Ông Phạm Ngọc Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin, công trình cấp nước sinh hoạt do UBND huyện Ea Súp làm chủ đầu tư nhưng sau đó dừng vì nhiều hạng mục hư hỏng, người dân không tin tưởng chất lượng nước... Nay huyện này đang đầu tư thêm gần chục tỷ đồng để sửa chữa rồi bàn giao cho trung tâm quản lý. Tuy vậy, trung tâm sẽ đánh giá chất lượng công trình, đủ điều kiện mới nhận.

Hiện, Đắk Lắk có 112 công trình được đầu tư hoàn chỉnh, trong đó 6 công trình kém hiệu quả, 46 công trình không hoạt động.

Tình trạng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị bỏ hoang cũng xảy ra tại tỉnh Đắk Nông. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, Đắk Nông hiện có 246 công trình cấp nước tập trung, thì có tới 164 công trình ngưng hoạt động. Thanh tra tỉnh này cũng vào cuộc chỉ ra trách nhiệm của các đơn vị liên quan dẫn đến công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, ngưng hoạt động, như: Đa số địa phương chỉ quan tâm đến đầu tư; Thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý khai thác công trình; Chủ đầu tư chưa xác định rõ đơn vị quản lý, khai thác và số hộ gia đình sử dụng nguồn nước nên phần lớn số hộ dùng nước ít hơn thiết kế ban đầu... Cuối cùng, Thanh tra tỉnh này kiến nghị thanh lý 110 công trình hư hỏng, người dân không còn nhu cầu sử dụng. Việc truy trách nhiệm cuối cùng của từng tập thể, cá nhân để xử lý răn đe còn bỏ ngỏ...

Sau bài viết “Khát bên các công trình cấp nước tiền tỷ” báo Tiền Phong phản ánh có đề cập công trình cấp nước tại xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) được đầu tư gần 12 tỷ đồng bị “đắp chiếu” sau vài tháng hoạt động, ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, đã hỗ trợ chi phí vận hành trong thời gian chờ bàn giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh. Chính quyền tiếp tục vận động và tìm nguồn kinh phí khác hỗ trợ người dùng vì đa số khu vực hưởng lợi là đồng bào thiểu số, đời sống khó khăn.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.