Không chỉ chuyện đắt hay rẻ, năm nay chất liệu đồng phục lại là mối quan tâm của nhiều phụ huynh, trong khi trên thị trường có nhiều loại chất liệu trơn mát, giá thành hợp lý thì phổ biến ở các trường là chất liệu thô, nóng.
Không thích, vẫn phải “nhắm mắt” mua
Chuẩn bị sẵn hết đồ dùng học tập, sách vở để năm nay cho hai con bước vào năm học mới, chị Lê Thị Thắm (đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn băn khoăn với những bộ đồng phục của con mà chị vừa đăng ký mua mới hơn 600.000đ/con. Theo chị, khi con nhập học lớp 1, cán bộ tuyển sinh đã đưa phiếu đăng ký mua đồng phục, quần áo và “tư vấn” nên đặt ở trường vì bên ngoài không có, nếu không mua sẽ hết và phải chờ đặt thêm chưa chắc đã kịp cho khai giảng. Ngoài ra, trường cũng thông báo phụ huynh đưa con đến tập trung tại trường để nhận cô và lớp học và nhắn cho con mặc đồng phục để con làm quen môi trường học tập mới.
Chị Thắm chia sẻ: “Hai con học cùng trường Tiểu học và cách nhau chỉ 2 tuổi, nhưng năm ngoái tôi mới mua bộ đồng phục cho anh lớn xong, năm nay vẫn phải tiếp cho cả hai vì anh lớn mặc chật, còn em trai vào học lớp 1 dù mặc vừa quần áo của anh, nhưng trường năm nay thay mẫu đồng phục lớp 1 nên đành phải đăng ký mua mới. Khi nhập học cho con vào lớp 1, tôi cũng không được thông báo về mẫu đồng phục, chất liệu vì lớp 1 mới vào, chưa có Ban Phụ huynh của lớp nên không biết hỏi ai. Đành phải đăng ký mua tạm cho con, năm sau tính tiếp”.
Tương tự, cầm bộ đồng phục cũ của con năm nay lên lớp 2 chị Thu Hằng có con học Trường Tiểu học H.L (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không khỏi tiếc nuối vì chỉ sau một năm đã phải thay mới, một phần vì con lớn hơn, một phần vì không thể mặc vì lý do khác. “Chiếc áo trắng của con chỉ sau một năm học lớp 1, tuần chỉ mặc 2 ngày nhưng đã bẩn, ố vàng và không thể sử dụng được nữa. Chất liệu vải thô, dù thấm mồ hôi tốt nhưng rất nóng, khó giặt sạch nếu bị bẩn, dây mực và rất nhàu, nếu giặt bằng máy giặt chỉ vài lần là xù hết sợi lên. Chỉ sau một học kỳ là chỉ muốn vứt đi vì quá nhàu, bẩn”, chị Hằng tâm sự.
Không chỉ riêng chị Thắm, chị Hằng, theo ghi nhận với nhiều phụ huynh khác, hiện nay kiểu dáng, chất liệu vải đồng phục ở các trường công lập luôn là mối lo lắng đối với các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, nếu phụ huynh tự đi mua cũng rất khó, bởi nếu tự may rất đắt, còn tự mua sẽ chỉ có các mẫu của những trường nổi tiếng, rất nhiều trường không có mẫu bán trên thị trường. “Dù không thích chất liệu đồng phục của con, nhưng vẫn phải đăng ký mua tại trường vì bên ngoài không bán, nếu mua về không đúng với các bạn, con sẽ không dám mặc vì không giống với các bạn và sợ cô mắng”, một phụ huynh có con học Tiểu học ở Hà Nội tâm sự.
Nhiều phụ huynh lựa chọn mua bên ngoài
Dạo qua một vòng các cửa hàng bán đồ đồng phục học sinh khá nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội, có thể thấy, kiểu dáng và chất liệu khác nhau sẽ có giá khác nhau. Đơn cử, một chiếc áo sơ mi nam hoặc nữ màu trắng dành cho học sinh Tiểu học công lập có giá từ 140-160.000/chiếc (tùy kiểu dáng), tuy nhiên cùng mẫu nhưng khác chất liệu ví dụ như vải trơn (suông, nhẹ, giặt ít nhàu) chỉ cao hơn so với loại vải thô (dày, nóng, giặt nhanh xù) chỉ từ 10-20.000 đồng/bộ. Còn đối với đồng phục học sinh các trường dân lập, quốc tế có thể lên tới vài triệu đồng/học sinh bao gồm: Lễ phục mùa Đông, mùa Hè, đồng phục, đồ thể thao, các phụ kiện...
Tại một cửa hàng thuộc hệ thống nhà may đồng phục P.T trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), cửa hàng có đủ các mẫu đồng phục mùa hè, mùa đông, thể thao dành cho học sinh Tiểu học, THCS với các trường nổi tiếng ở khu vực quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa… Thời điểm đầu giờ chiều 17/8, nhiều phụ huynh tới mua đồng phục cho con vì lý do được thoải mái lựa chọn chất liệu, kích cỡ, có thể chỉnh sửa tùy ý và gắn logo trường miễn phí. Mức giá bán lẻ tại đây nếu xét về cùng chất liệu với trường công lập là cao hơn từ 20 - 40.000/chiếc.
Nhiều phụ huynh cho hay, so với đồng phục ở trường, các nhà may có đắt hơn chút ít nhưng phụ huynh hài lòng vì được thoải mái lựa chọn chất liệu, đường may thẳng, chuẩn xác, lại còn được chỉnh sửa, điều mà ít trường công lập hầu như ít nơi có. Về giá cả có phần chênh lệch so với các nhà may nổi tiếng, một nhân viên cửa hàng đồng phục học sinh trên Phố Huế (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Giá cả nếu so với trường công lập là có đắt hơn từ 10 nghìn đến vài chục nghìn đồng, nhưng đây là giá bán lẻ, chi phí thuê cửa hàng, nhân viên bán hàng, còn các trường đặt may số lượng hàng nghìn chiếc mà giá như thế cũng không phải là rẻ, mặc dù đã có triết khấu cho trường”.
Mặc dù trong những năm gần đây, Bộ GD&ÐT đã ban hành quy định và hướng dẫn việc sử dụng đồng phục học sinh để các trường thực hiện, nhưng triển khai sao cho đúng và hiệu quả lại là điều không dễ dàng. Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Khoa học - Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Mục đích của đồng phục là rất cao đẹp và nhiều nơi hưởng ứng, thực hiện. Tuy nhiên, tại một số nơi dù là "tự nguyện", nhưng với cách làm mỗi nơi mỗi khác, chất lượng và giá cả mỗi bộ đồng phục gần như phụ huynh không kiểm soát, hoặc được tham gia ý kiến. Do đó, cần đẩy cao vai trò của Ban phụ huynh tham gia vào hoạt động này dựa trên ý kiến của phụ huynh toàn trường”.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, khuyến khích ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng để tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Về đồng phục yêu cầu thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp, được Hội đồng nhà trường và cha mẹ học sinh đồng thuận. Không để xảy ra trường hợp học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học. Trong năm học 2018 - 2019, sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn và xử lý nghiêm những nơi để xảy ra lạm thu.