Đông Nam Á trong chiến lược vừa giải mật của Mỹ

Tàu chiến Mỹ trong một lần tiến vào biển Đông ảnh: US Navy
Tàu chiến Mỹ trong một lần tiến vào biển Đông ảnh: US Navy
TP - Mỹ vừa giải mật một trong những tài liệu an ninh quốc gia: Khuôn khổ chiến lược năm 2018 của Mỹ về Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Tài liệu dài 10 trang được công khai hôm 12/1, thể hiện kế hoạch cụ thể về việc triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. Tài liệu này do Hội đồng an ninh quốc gia dưới quyền Tổng thống Donald Trump xây dựng trong năm 2017.

Tài liệu cho thấy sự tập trung điều chỉnh chính sách của Mỹ để cạnh tranh với một Trung Quốc hùng mạnh hơn, tham vọng hơn và hiếu chiến hơn.

Một điểm gây chú ý nữa là khuôn khổ đề ra rất nhiều mục tiêu, và giới chuyên gia cho rằng điều này cho thấy rõ ràng có khoảng cách giữa ý định và thực hiện, nhất là trong phần nói về Đông Nam Á, khu vực mà giới chức Mỹ thường nói là có vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tài liệu nói rằng mục tiêu của Mỹ ở khu vực là “thúc đẩy và củng cố Đông Nam Á và vai trò trung tâm của ASEAN đối với cấu trúc an ninh khu vực, và khuyến khích một tiếng nói thống nhất trong những vấn đề chủ chốt”.

Tuy nhiên, tài liệu không đề ra cách thức để Mỹ có thể đạt được điều này, nhất là khi Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn về kinh tế ở khu vực.

Tài liệu nói rằng, Mỹ nên hướng tới một Đông Nam Á “hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh” để duy trì các nguyên tắc về chủ quyền, tự do hàng hải, các tiêu chuẩn về thương mại và đầu tư, tôn trọng các quyền của cá nhân và pháp quyền.

Tuy nhiên, những hoạt động ngoại giao của chính quyền Trump với ASEAN bị đánh giá là rời rạc và thiếu hiệu quả. Việc Washington không cử đại diện cấp cao dự những hội nghị quan trọng như Cấp cao Đông Á bị đánh giá là không thể duy trì định nghĩa tối thiếu về vai trò trung tâm của ASEAN, dù giới chức Mỹ vẫn luôn muốn kéo ASEAN về phía mình trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc.

Tài liệu cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Đông Nam Á, bao gồm theo đuổi “các thoả thuận thương mại đề ra các tiêu chuẩn về thương mại và đầu tư do Mỹ đặt ra và giảm sự phụ thuộc về kinh tế của khu vực vào Trung Quốc”. Mục tiêu này cũng bị đánh giá là có khoảng cách giữa ý định và thực tế. Chính quyền Trump vấp phải chỉ trích sau khi ASEAN, Trung Quốc và 5 quốc gia khác hoàn tất thoả thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tài liệu này xác nhận một điều đã rõ ràng dưới thời ông Trump: chính sách của Mỹ với Đông Nam Á vẫn xếp sau chính sách với Trung Quốc, một bài trên tạp chí The Diplomat
đánh giá.

MỚI - NÓNG