Dòng đời đẫm nước mắt của người đàn bà lưu lạc đất khách

Dòng đời đẫm nước mắt của người đàn bà lưu lạc đất khách
Cuộc sống gia đình quá túng quẫn, thêm vào đó cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc khiến bà Nguyễn Thị Hồng Nhân luôn mang trong mình tâm trạng khó chịu.

> Kẻ giết người và câu chuyện hoàn lương cảm động
> Vào nơi thiếu nữ 16 tuổi đã qua 3 đời chồng

Vậy nên, sau khi được người hàng xóm "tốt bụng" rủ ra Bắc dạy cách nấu rượu, bà Nhân đã nhanh chóng quyết định ra đi với ý định vừa để kiếm tiền, vừa khuây khỏa trong lòng.

Nhưng người đàn bà 46 tuổi này đâu ngờ rằng mình chính là nạn nhân của đường dây buôn bán người sang Trung Quốc. 17 năm lưu lạc ở xứ người, bà là vợ của hai người đàn ông lạ. Và khi cánh cửa hy vọng dường như đã chính thức đóng lại thì may mắn đã đến với bà khi được người phụ nữ tốt bụng giúp đỡ đưa về quê cha đất tổ. Thế là, sau hơn 6.000 ngày "mất tích", kỳ tích trong cuộc đời đã đến với bà.

Đến bây giờ bà vẫn chưa tin mình đã được đoàn tụ cùng con cháu, quê hương. Ảnh T.G
Đến bây giờ bà vẫn chưa tin mình đã được đoàn tụ cùng con cháu, quê hương. Ảnh T.G.

Người hàng xóm "tốt bụng"

Ngót một tuần sau ngày bà Nguyễn Thị Hồng Nhân, 61 tuổi, xóm Đồng Tâm, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bỗng trở về sau 17 năm "mất tích", nhưng sự vui mừng vẫn còn thể hiện rõ trên khuôn mặt của người thân và bà con chòm xóm nơi đây. Bởi, từ đây các con sẽ được gặp lại người mẹ tần tảo, anh em họ hàng gặp lại người thân, nhưng hơn cả di ảnh của bà sẽ được con cháu gỡ xuống khỏi bàn thờ. Ngồi trong căn nhà của người con gái, hiện tại đối với bà quá đỗi xa lạ so với cái ngày bị người ta đưa đi. Và mỗi khi nhắc đến hai từ nấu rượu, sự hốt hoảng liền có trên khuôn mặt của người phụ nữ vốn gặp nhiều gian truân.

Nhớ lại cái ngày đau đớn đó, bà Nhân kể: "Chiều ngày 28/3/1997 (âm lịch), tui đang ngồi trông cháu cho đứa con gái lớn tại nhà thì bà Nguyễn Thị Ph (quê ở xã Kỳ Tây - Kỳ Anh - lấy chồng ở gần nhà gia đình bà Nhân) sang bàn chuyện: "Ở tỉnh Hà Bắc đang cần người dạy cách nấu rượu, công việc nhẹ nhàng mà lương khá cao, chị thích thì để em giới thiệu cho mối người quen. Người nhà cả, chị không cần phải suy nghĩ đắn đo".

Thời điểm đó, phần vì thấy kinh tế gia đình khó khăn, phần vì cuộc sống vợ chồng đang có xích mích, nên bà Nhân luôn suy nghĩ về lời đề nghị 500 nghìn đồng/tháng. Thêm vào đó, việc bà Ph liên tục thúc dục, có lần đưa thêm cả người em gái tên H sang tư vấn khiến người phụ nữ này xao lòng, quyết định ra khỏi lũy trẻ làng một lần. "Lúc đó, tui quyết định đi vì muốn tích góp chút đỉnh gửi về cho chồng, con đong gạo, phần khác muốn đi đâu đó cho khuây khỏa tâm hồn. Để cũng cố lòng tin, H đến nhà tui với nồi nấu rượu mang theo người và bảo tui thu xếp nhanh để hai chị em ra Hà Bắc cho kịp giờ", bà nhớ lại.

Bà Túc và bà Him òa khóc như một đứa trẻ sau khi thấy bà Nhân trở về. Ảnh T.G
Bà Túc và bà Him òa khóc như một đứa trẻ sau khi thấy bà Nhân trở về. Ảnh T.G.

Sau đó, hai người bắt xe ra Hà Bắc (tỉnh Hà Bắc cũ nay là Bắc Ninh và Bắc Giang). Đến bến xe, H bảo ngồi chờ thời gian khá lâu rồi tiếp tục hành trình. "Thấy lạ, tui vội hỏi sao đi mãi mà chưa đến nơi thì H chỉ im lặng, không trả lời. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, nhưng lúc này tui không biết làm gì cả. Chạy xe ròng suốt một ngày, một đêm thì đến biên giới. Đến đây chúng tui tiếp tục đi bộ. Tui lại hỏi đây là sang Trung Quốc rồi không phải đi Hà Bắc nấu rượu nữa à thì H đáp cụt lủn: "Chúng ta đang ở Trung Quốc, sang đây cũng nấu rượu được", bà nhớ lại hành trình định mệnh của mình. Sau đó, người đàn bà này đã dẫn bà đến một ngôi làng ở miền núi heo hút mà đến bây giờ bà vẫn không nhớ tên, ngang nhiên mặc cả giá với một số người. Cuối cùng bà Nhân đã bị bán cho người đàn ông lại với giá 3.500 nhân dân tệ mặc cho bà hết lời van xin mình đã có chồng con.

Bị đồng hương "bán đứng" lần thứ hai

Kể từ ngày đó, cuộc đời bà Nhân rẽ sang bước khác, bà trở thành vợ của người đàn ông nhiều tuổi ở Trung Quốc. Thời gian đầu bà khóc ròng rã, không chịu ăn uống gì. Nhưng rồi nhận ra cần phải sống để chờ cơ hội thoát trở về, bà đành nuốt nước mắt chấp nhận "làm vợ" với người đàn ông xa lạ, dù lòng dạ bà không lúc nào quên hướng về chồng, con ở quê nhà. Ở với người chồng Trung Quốc, bà phải làm những công việc rất vất vả, cực nhọc nhưng vì không muốn bị chồng nặng lời, đánh đập nên bà Nhân cứ thế lặng lẽ làm việc. Hằng ngày, ngoài công việc trong gia đình, hễ có ai gọi đi làm thuê bà đều nhận, thậm chí cả những công việc nặng nhọc chỉ dành cho đàn ông như bổ củi, trồng rừng, cuốc cỏ bà đều nhận làm hết. Với ý nghĩ sẽ cố gắng tích cóp tiền làm lộ phí cho chuyến hành trình về với quê hương.

Và cái ngày trong mơ đó đã đến với bà. Lần đó, sau khi làm vợ được 2 năm, bỗng một ngày, có người đàn bà nói tiếng Việt tên Hường “Thọt” đưa theo đưa trẻ 2 tuổi đến trò chuyện rồi rủ bà Nhân bỏ trốn lên thành phố tìm một công việc, đồng thời tìm kế trở về nước. Như người chết đuối với được cái phao, bà hớn hở vui mừng, về nhà trộm khăn gói đồ đạc trốn theo người phụ nữ "tốt bụng". Thế nhưng, khi nụ cười trên môi chưa kịp khép lại thì tai họa lại tiếp tục ập đến. Sau một chặng đường dài chạy trốn, một lần nữa bà Nhân lại bị người phụ nữ này bán "làm vợ" người đàn ông khác.

Ngày trở về, bà Nhân đau đớn khi hay tin chồng mình đã ra đi. Ảnh T.G
Ngày trở về, bà Nhân đau đớn khi hay tin chồng mình đã ra đi. Ảnh T.G.

Đến nước này, cuộc sống với bà như vô nghĩa, bà cũng mất đi niềm tin. Sống với người đàn ông thứ hai, bà Nhân cũng không thoát khỏi cảnh làm ruộng, làm vườn, phục dịch cho "người chồng" bất đắc dĩ. "Nhiều đêm mỗi khi đi làm về, tui bắt tay lên trán, không dám nghĩ đến tương lai sau này. Chẳng lẽ, cuộc đời con Nhân này sẽ mãi sống với những người đàn ông xa lạ. Cũng vì vậy, những giấc ngủ của tui luôn trong tình trạng chập chờn. Những lúc đó hình ảnh về chồng, con ở quê nhà cứ hiện ra, khiến tui nước mắt nghẹn ngào", nước mắt bà rơi lả chả khi nhớ lại ký ức đau buồn.

Suốt thời gian lưu lạc, bà không có một tin tức gì từ người thân ở quê nhà. Dù bà vẫn một lòng một dạ nghĩ đến chồng con, mong có cơ hội bỏ trốn trở về, nhưng dường như cánh cửa trở về đã bị đóng chặt, khi mà hằng ngày cứ phải làm lụng, nấu ăn, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Sau đó, cũng có vài lần bà Nhân gặp được người Việt Nam, nhưng vì bà đã mất niềm tin vào những người đồng hương sau hai lần bị lừa nên bà không tâm sự, cũng chẳng chia sẻ cùng ai. Từ đó, bà an phận với cuộc sống nơi đất khách quê người.

Nhưng bước ngoặt đã đến với bà Nhân. Cách đây 2 năm, trong một lần đi chợ, bà gặp một người phụ nữ tên Thảo quê ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng lấy chồng ở Trung Quốc. Qua trò chuyện, biết hoàn cảnh, tâm nguyện tha thiết của bà Nhân nên người phụ nữ này hứa sẽ đưa bà về nước. "Vừa nghe chị ấy nói, tui nghĩ thầm trong lòng, "chắc con này lại định lừa bán mình đây". Vậy nên, tui từ tốn từ chối. Nhưng những lần gặp tiếp theo, chị ấy vẫn tỏ ra thân thiện, ân cần hỏi thăm, quan tâm, tui bắt đầu có cảm tình. Linh tính mách bảo gặp được người tốt, tui đánh liều một phen", bà kể chuyện.

Lần đó, sau khi nói dối gia đình ra chợ mùa ít đồ, bà Nhân đã theo người phụ nữ tên Thảo bỏ trốn. Sau hơn một ngày một đêm ròng rã thì chiếc xe đó đến Lạng Sơn. Tại đây, Thảo đã liên hệ với người họ hàng sống gần đây ra đón bà rồi thu xếp để người phụ nữ này về với quê cha đất tổ. Cuối cùng, không ai khác, người phụ nữ tốt bụng đó đã đưa bà Nhân về nước, kết thúc 17 năm tủi nhục nơi xứ người.

Nước mắt ngày đoàn tụ

Ngày 18/11/2013, bà Nhân đột ngột trở về rước sự ngỡ ngàng và ngập tràn nước mắt của người thân, làng xóm ở quê hương. Ba đứa con của bà mới ngày nào giờ đã yên bề gia thất, con cái khôn lớn. Nhưng điều khiến bà đau đớn hơn cả là khi hay tin người chồng của mình đã ra đi cách đây 8 năm. Thắp nén nhang cho chồng là ông Nguyễn Đoàn Dũng đã mất, bà Nhân rơi nước mắt lẩm nhẩm nói: "Xin ông hãy tha thứ cho tui vì đã không trọn kiếp vợ chồng với ông. Những ngày tháng xa cách ông và các con, không bao giờ tui không nhớ đến mọi người và vẫn mang hy vọng vẫn còn gặp ông, nhưng không ngờ ông đã không còn nữa. Ông mất, nhưng đời tui cũng tủi nhục, đau đớn lắm ông ơi. Tui không ngờ vẫn còn ngày được trở về quê thế này nữa".

Chị Giang mừng mừng, tủi tủi khi thấy mẹ về. Ảnh T.G
Chị Giang mừng mừng, tủi tủi khi thấy mẹ về. Ảnh T.G.

Nghe mẹ nói, người con gái Nguyễn Thị Giang đang bế con nhỏ đứng cạnh không cầm được nước mắt, chị ngước nhìn lên bàn thờ bố gào khóc: "Bố đã từng vì mẹ, chúng con mà đau ốm bệnh tật. Hôm ni (nay), mẹ đã về đây này, bố ơi…". Niềm vui của ngày đoàn tụ này còn thể hiện rõ trên khuôn mặt của hai người chị họ, bà Túc và bà Hinh. Nắm chặt tay đứa em sau 17 năm biệt tích mà không dám tin: "Trời ơi, có đúng con Nhân không mi? Răng còn sống mà chừ mi mới trở về...". Nói rồi 3 chị em đã bạc tóc cứ ôm nhau gào khóc như những đứa trẻ.

Ông Trần Đức Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Đồng cho hay: "Xã đã nắm được thông tin sơ bộ về viêc bà Nhân mất tích 17 năm trở về quê hương. Chúng tôi đã xuống gia đình bà Nhân an ủi, động viên. Trước mắt, chúng tôi sẽ yêu cầu bà tường trình lại sự việc để có phương án xử lý đúng đắn. Hiện tại gia đình bà Nhân thuộc diện khó khăn nên chúng tôi đang lên phương án hỗ trợ lương thực cho gia đình bà trong vòng sáu tháng.

Theo Kim Long
GiadinhNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG