Đóng cửa giảng đường: Đánh trượt thí sinh để không phải... mở lớp

Hãy cho các em cơ hội lựa chọn.
Hãy cho các em cơ hội lựa chọn.
Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, có một số trường buộc phải nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh trúng tuyển. Điều đáng nói ở chỗ, không phải có quá đông học sinh THPT đăng ký và trúng tuyển nên các trường phải “gạt” bớt, mà vấn đề ở chỗ có ngành học chỉ vỏn vẹn vài em, thậm chí một thí sinh trúng tuyển nên phải đánh trượt để không phải... mở lớp.

Việc một số trường nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh trúng tuyển lại khiến các em mất đi cơ hội bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng.

Xét về mặt lý, việc nâng điểm chuẩn của các trường là không vi phạm bất cứ quy định nào của ngành giáo dục nói riêng và pháp luật nói chung. Về mặt quản lý nhà nước, để đảm bảo chất lượng đầu vào của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra “điểm sàn” chứ không có “điểm trần”. Theo đó, việc các trường đại học, cao đẳng đưa ra điểm chuẩn thế nào là tùy thuộc vào điều kiện và sự cân đối của từng trường, miễn không thấp hơn điểm sàn là được.

Song, trong xã hội ta, ở bất kể lĩnh vực nào cũng không đơn giản chỉ xét về lý, mà phải kèm theo cái tình. Huống hồ trong lĩnh vực GD-ĐT thì càng cần hơn sự nhân văn, lòng nhân ái... mới có thể giáo dục, bồi dưỡng nên những trí thức lớn, những nhân cách cao thượng, trong sáng, đứng đắn cho xã hội.

Tình ở đây là gì? Đơn giản là có một số em khi đăng ký nguyện vọng vào một trường đại học, cao đẳng nào đó là đã có sự tự cân nhắc và ý thức được khả năng của mình. Do vậy, nếu chỉ vì cái tiện lợi hay bất cập của trường mà tước đi của các em quyền bước chân vào giảng đường đại học là vô cùng bất công. Nếu thực sự các em có mặt bằng điểm cao, đăng ký nhiều nguyện vọng thì dù trượt trường này còn có trường khác để theo học, còn nếu điểm không cao lại chỉ đăng ký một nguyện vọng, vô hình trung việc nâng điểm đã tạo ngã rẽ bất lợi đầy chông gai cho đường đời các em sau này.

Đó là xét về khía cạnh học sinh, còn về phía các trường đại học, cao đẳng thì sao đây? Tất nhiên trong cơ chế tự chủ hiện nay thì với chỉ 2, 3 em, thậm chí là có một sinh viên mà vẫn phải mở lớp dạy quả là đã làm khó các thày cô và BGH nhà trường rồi. Với vài em sinh viên thì làm sao có thể thu đủ kinh phí để khấu hao bàn ghế, trang thiết bị dạy học, chưa kể tiền điện, nước, vệ sinh, lương của các thày cô... Không lẽ vì ít học sinh mà nâng mức học phí lên thì lại hoàn toàn không ổn, bởi sinh viên sẽ bỏ học, xã hội lên án, cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra rất phiền phức.

Làm sao để đảm bảo vừa lý, vừa tình, vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh, lại cũng không làm các trường đại học, cao đẳng than Trời vì mất cân đối thu chi thì quả là bài toán hóc búa, nan giải đối với ngành giáo dục. Theo các chuyên gia giáo dục, thực trạng này xảy ra là do có quá nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước dẫn đến việc phân tán lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng. Thậm chí nhiều trường có những kỳ tuyển sinh “khóc dở, mếu dở” vì lượng “thí sinh ảo” quá đông, nhiều trường còn không thể tuyển sinh đủ sinh viên cho các ngành học.

Trở lại câu chuyện một số trường nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh để không phải mở lớp. Tất nhiên là họ không sai, nhưng xem ra có phần hơi nhẫn tâm với các em học sinh. Vẫn biết việc cân đối thu chi, đảm bảo chi trả lương giảng viên và các khoản chi phí khác là quan trọng, song cũng không thể vì thế mà tước đi cơ hội của các em học sinh, nhất là những em học sinh vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Các trường hoàn toàn có thể vẫn xét tuyển rồi thuyết phục các em chuyển ngành học, như vậy vừa đảm bảo quyền lợi của học sinh, lại không khiến nhà trường “thua lỗ”.

Có ý kiến đặt vấn đề, nếu sau khi xét trúng tuyển mà không thể thuyết phục được các em chuyển ngành học thì phải làm sao, không lẽ phải mở lớp với một sinh viên? Xin thưa ngay rằng, cách đặt vấn đề như vậy là biện bạch và trốn tránh trách nhiệm, đẩy cái khó về phía học sinh. Nếu các trường thực sự gặp gỡ các thí sinh cùng gia đình và thẳng thắn trao đổi về thực trạng khó khăn của trường thì tin rằng không có một em nào hay gia đình nào lại không đồng ý chuyển ngành học. Chẳng có sinh viên nào muốn học ở một lớp mà chỉ có 2, 3 bạn, thậm chí là lớp học có một mình.

Như vậy việc một số trường đại học, cao đẳng nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh để không phải mở lớp là một sự bất công đối với các em học sinh vừa tốt nghiệp THPT, đang chập chững những bước đi đầu tiên vào đời. Các trường đã tự đưa ra quyết định mà không cho các em cơ hội được lựa chọn chuyển ngành học hay ở nhà. Việc các em lựa chọn giữa bước chân vào giảng đường để sau vài năm có một tấm bằng đại học, cao đẳng hay ở nhà thiết nghĩ câu trả lời đã quá rõ. Hãy cho các em cơ hội lựa chọn, đừng đóng cửa giảng đường.    

Theo Theo Đại Đoàn Kết
MỚI - NÓNG