Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ lâu đã lộ ý đồ kích động một cuộc chiến tôn giáo giữa các tín đồ Hồi giáo và Thiên chúa giáo để đắc lợi. Và với những động thái, phát ngôn gần đây, một số thành viên đảng Cộng hòa của Mỹ, đặc biệt là ứng cử viên Tổng thống Donald Trump, dường như đã cắn phải mồi câu mà IS tung ra.
Cắn câu khủng bố
Vốn có một kho phát ngôn gây sốc và kho phát ngôn này lại đầy thêm khi một lần nữa, ông Trump lại gây tranh cãi bằng lời kêu gọi “sẩy miệng” là cấm cửa toàn bộ người Hồi giáo vào nước Mỹ. Cụ thể, thông báo cáo chí trong chiến dịch tranh cử của tỷ phú Trump ngày 8/12 có nói: “Donald J. Trump kêu gọi ngừng tiếp nhận hoàn toàn và tuyệt đối mọi người Hồi giáo vào nước Mỹ cho đến khi đại diện đất nước chúng ta có thể làm rõ chuyện gì đang diễn ra”.
Thông cáo báo chí của ông Trump dẫn một khảo sát trực tuyến gây tranh cãi của Trung tâm Chính sách An ninh, trong đó nói rằng 1/4 người Hồi giáo sống ở nước Mỹ cho rằng bạo lực chống lại người Mỹ có thể được dung thứ vì nó là một phần trong chiến dịch thánh chiến Hồi giáo toàn cầu. Ngoài ra, thông cáo cũng trích một khảo sát của hãng nghiên cứu Pew nhưng không nói rõ là khảo sát nào, nói rằng một bộ phận lớn người Hồi giáo rất ghét người Mỹ. Ông Trump không chỉ kêu gọi cấm cửa người nước ngoài là người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ mà còn muốn cấm cả người Hồi giáo du lịch Mỹ.
Không chỉ ông Trump, một số ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa khác cũng có hơi hướng xa lánh người Hồi giáo. Sau vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11 và vụ xả súng đẫm máu ở California do các tín đồ Hồi giáo đi theo IS gây ra, một số nghị sĩ đổ lỗi cho các chính phủ châu Âu vì đã dang tay tiếp nhận người tị nạn Syria. Sau đó, ngày càng nhiều đề xuất bài Hồi giáo được đưa ra. Ví dụ như thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz kêu gọi cấm người tị nạn Hồi giáo vào Mỹ, chỉ mở cửa với người Thiên chúa giáo không nơi nương thân với lý do người Thiên chúa giáo ít có nguy cơ khủng bố.
Thậm chí, ông Ted Cruz còn kêu gọi tổ chức kiểm tra tôn giáo cho người tị nạn. Ứng cử viên tổng thống Marco Rubio cũng của phe Cộng hòa giải thích cho việc cấm người tị nạn: “Bạn có thể có 1.000 người vào Mỹ. 999 trong số đó chỉ là người nghèo chạy trốn bạo lực. Nhưng một người còn lại là tay súng IS. Nếu xảy ra trường hợp đó, bạn lãnh đủ”.
Những đề xuất trên vô tình khiến cuộc chiến chống IS của Mỹ biến thành cuộc chiến nhằm vào người Hồi giáo, chứ không hẳn là một nhóm khủng bố cụ thể. Theo tờ Guardian, những đề xuất chính sách kiểu như vậy đã tạo dựng một hình ảnh nước Mỹ theo đúng những gì mà IS muốn khắc họa trong các chiến dịch tuyên truyền của bọn chúng: nước Mỹ gây chiến với người Hồi giáo và người Hồi giáo cần chống người Mỹ, chống người Thiên chúa giáo.
Hậu quả của “sẩy miệng”
Theo phân tích của hai giáo sư luật là Jan C. Ting thuộc Đại học Temple và Eric Posner thuộc Đại học Chicago, đề xuất của ông Trump không vi phạm hiến pháp Mỹ. Dù được coi là không vi hiến nhưng rõ ràng đề xuất và phát ngôn của ông Trump có vấn đề vì nó thể hiện quan điểm cực đoan theo kiểu “thà cấm hết còn hơn bỏ sót”.
Phát ngôn đó đã biến ông Trump thành kẻ thù của người Hồi giáo nói chung và nếu ông “chẳng may” trở thành tổng thống tương lai của Mỹ, cả nước Mỹ dưới sự lèo lái của ông Trump sẽ đối đầu với thế giới Hồi giáo. Ngay sau phát ngôn, một loạt lãnh đạo thế giới vốn là đồng minh của Mỹ đã phản ứng gay gắt. Hoàng tử Saudi Arabia đã gọi ông Trump là “nỗi ô nhục” của nước Mỹ và kêu gọi ông này từ bỏ chạy đua vào Nhà Trắng vì sẽ không bao giờ thắng cử.
Chuỗi cửa hàng trang trí nhà cửa ở Dubai đã bỏ mọi sản phẩm thương hiệu Trump ra khỏi 195 cửa hàng khắp Trung Đông, Bắc Phi, Pakistan và Tanzania. Tên và hình ảnh của ông Trump cũng bị bỏ ra khỏi dự án golf ở Dubai. Giám đốc hãng hàng không Qatar Airways cảnh báo ông Trump sẽ không được chào đón ở các nước Hồi giáo.
Thủ tướng Anh David Cameron vốn hiếm khi chỉ trích ông Trump nay cũng phải lên tiếng, coi đề xuất của ông Trump về cấm cửa người Hồi giáo là “gây chia rẽ, vô ích và sai lầm”. Một đơn kiến nghị kêu gọi cấm ông Trump vào Anh và đã thu hút gần 600.000 chữ ký chỉ trong mấy ngày. Anh là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ và hợp tác với Mỹ về mọi vấn đề trên thế giới, thậm chí cả những lĩnh vực tình báo có tính nhạy cảm cao. Các nước như Israel, Canada, Hà Lan, Pháp đều phản đối mạnh. Về phía những nước vốn là đối thủ của Mỹ, sự chỉ trích còn nặng nề hơn. Tổng thống Iran Hassan Rouani dù không nêu đích danh ông Trump nhưng cáo buộc “những người này” hỗ trợ khủng bố dưới danh nghĩa chống khủng bố.
Bằng những phát ngôn chia rẽ, phân biệt đối xử với người Hồi giáo như ở Mỹ cộng với những đề xuất đóng cửa biên giới với người di cư ở châu Âu, phương Tây vô tình đã đi theo đúng con đường chiến tranh tôn giáo mà IS vạch ra để rồi vướng vào bẫy của chúng. Muốn không rơi vào bẫy chiến tranh tôn giáo mà IS giăng ra, thay vì quay lưng lại với người Hồi giáo, phương Tây phải khôi phục lại các các giá trị để có thể đưa người Thiên chúa giáo, người Hồi giáo, người Do Thái… xích lại gần nhau.