Động thái này diễn ra trong lúc căng thẳng giữa hai nước đang ở mức cao. Các lệnh cấm, theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, phong tỏa nhiều tỷ USD tài sản của Iran.
Ông Trump nói các lệnh cấm một phần là để đáp trả chuyện tuần trước Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, nhưng kể cả không có sự việc đó thì cũng sẽ được thực thi. Tổng thống Mỹ nói nhà lãnh đạo Khamenei là người chịu trách nhiệm cao nhất cho cái mà ông Trump gọi là “hành động thù địch của chính quyền” (Iran) ở Trung Đông.
Ông Trump nói các lệnh trừng phạt “sẽ ngăn chặn nhà lãnh đạo tối cao, văn phòng lãnh đạo tối cao, và bất cứ ai có liên quan đến ông ta và văn phòng của ông ta, tiếp cận các nguồn tài chính và hỗ trợ chủ chốt”.
John Smith, cựu chủ tịch Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của bộ Tài chính Mỹ, nói Mỹ chưa từng nhằm vào một nguyên thủ quốc gia của Iran. “Nói chung khi anh nhắm đến một nguyên thủ quốc gia, tức là khi anh tin rằng mọi lựa chọn khác đã không còn”, ông Smith nói với Reuters.
Một số nhà phân tích chính sách trước đó nói các lệnh trừng phạt được ban hành trong chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Tổng thống Trump là lý do Iran cảm thấy buộc phải chọn một chiến thuật khiêu khích hơn, khi nền kinh tế nước này đã cảm nhận được sức ép. Điều mà Mỹ muốn là buộc Tehran phải công khai chương trình hạt nhân và tên lửa cùng các hoạt động khác ở khu vực.
Tuy nhiên Iran sẽ không chấp nhận đàm phán với Mỹ trong khi bị đe dọa trừng phạt, đại sứ Iran tại LHQ Majid Takht Ravanchi, nói với các phóng viên. Quyết định của phía Mỹ là một chỉ dấu nữa cho thấy Mỹ “không hề tôn trọng luật pháp và trật tự quốc tế”, ông nói, theo tường thuật của Reuters.
Hôm thứ Hai, Hội đồng Bảo an LHQ họp kín theo đề nghị của phía Mỹ. Quyền đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen nói các bằng chứng cho thấy Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công tàu chở dầu ở Vùng Vịnh hồi tháng 5 và tháng 6, thúc giục thế giới lên án “hành động của Tehran” là không chấp nhận được.
Về các lệnh trừng phạt mới nhất, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói trên Twitter rằng các chính trị gia diều hâu gần gũi với ông Trump “xem thường các biện pháp ngoại giao và khao khát chiến tranh”. Năm ngoái, ông Trump đã rút nước Mỹ khỏi một thỏa thuận quốc tế hạn chế Iran sản xuất bom hạt nhân ký từ năm 2015 và kể từ đó tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm làm suy yếu nền kinh tế Iran.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin nói ngoại trưởng Zarif cũng sẽ trở thành đối tượng chịu trừng phạt từ Mỹ trong vài ngày tới. Nội dung của các lệnh trừng phạt mới nhất từ phía Mỹ nhằm vào các lãnh đạo Iran là ngăn họ tiếp cận các nguồn tài chính, chặn việc sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ hay tiếp cận bất cứ tài sản gì trên đất Mỹ. “Bất cứ ai tiến hành các giao dịch đáng kể với những cá nhân bị trừng phạt cũng có thể là đối tượng trừng phạt”, Nhà Trắng nói trong một thông cáo.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng từ tháng 5 khi Washington yêu cầu mọi quốc gia ngừng nhập khẩu dầu mỏ
từ Iran.
“Chúng tôi kêu gọi chế độ (ở Iran) từ bỏ tham vọng hạt nhân, thay đổi hành vi phá hoại, tôn trọng quyền của người dân và quay lại bàn đàm phán”, ông Trump nói trong một tuyên cáo.
Phía Iran nhiều lần phủ nhận họ theo đuổi vũ khí hạt nhân, dẫn ra một sắc lệnh tôn giáo do nhà lãnh đạo Khamenei ban hành đầu những năm 2000 có nội dung cấm phát triển hay sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Áp dụng các lệnh trừng phạt vô dụng đối với lãnh đạo tối cao của Iran là đã đóng lại con đường ngoại giao”, người phát ngôn bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói trên Twitter hôm qua. Trong khi đó, ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói nhiều khả năng nước này sẽ không tham gia một cuộc chiến với Iran cùng Mỹ, nếu nó nổ ra.