Dồn sức đầu tư các dự án cấp điện nông thôn, hải đảo

Thi công cáp ngầm xuyên biển cấp điện cho Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Thi công cáp ngầm xuyên biển cấp điện cho Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
TP - Sau khi các dự án hoàn thành sẽ có trên 7.236 km đường dây trung áp, trên 13.640 km đường dây hạ áp, trên 8.500 trạm biến áp được đầu tư xây dựng và sẽ có hơn 262.500 hộ dân được cấp điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia cũng như được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Bộ Công Thương vừa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 22 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 nằm trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao là cơ quan điều phối dự án và chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực miền Nam.

Trong số 22 dự án có 21 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo từ lưới điện quốc gia và 1 dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng) từ hệ thống cung cấp nguồn điện hỗn hợp gồm: Nguồn điện lai ghép gió + mặt trời + diesel + lưu trữ năng lượng.

Đây là các dự án phát triển lưới điện trung, hạ áp để góp phần đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. Các dự án sẽ cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào và lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tại các thôn, ấp, xã đảo chưa có điện và chưa được cấp điện chính thức, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội và từng bước nâng cao đời sống dân trí cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị trên địa bàn các tỉnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia khu vực biển đảo.

Đưa điện đến mọi vùng của Tổ quốc

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đã tập trung nỗ lực đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. Tập đoàn đã đầu tư trên 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng và hoàn thành vượt kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo với trọng điểm thực hiện là vùng đồng bào dân tộc ở miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Với nỗ lực đầu tư, tính đến cuối năm 2015, số xã có điện trên cả nước đạt 99,8%, số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015 đạt 98%). Tỷ lệ có điện tại khu vực miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn; Các tỉnh Tây Nguyên đạt 99,83% số xã và 95,8% số hộ dân; Khu vực Tây Nam bộ là 98,85% số xã và 97,27% số hộ dân. Hầu hết các xã biên giới đã có điện, góp phần vào công tác định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.

EVN cũng đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp cho các hộ dân nông thôn. Giai đoạn 2011-2015 đã tiếp nhận tại 1.524 xã với trên 1,95 triệu hộ dân nông thôn. Tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn theo tiêu chí số 4 của Chương trình nông thôn mới.

“EVN đang đảm nhận cấp điện cho 9 trên tổng số 12 huyện đảo gồm: Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); Phú Quý (Bình Thuận); Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu). Các huyện đảo, xã đảo có vị trí chiến lược như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Hòn Tre - Kiên Hải đã được cấp điện ổn định từ lưới điện quốc gia phục vụ nhu cầu dân sinh kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hiện tại, tập đoàn đang tiếp tục triển khai cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho một số xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam)”, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết.

Đến nay EVN đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho 21 tỉnh được giao trong Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 để triển khai đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016-2020.

MỚI - NÓNG