Đón năm mới trên những con tàu
Thời khắc chuyển giao bước sang năm mới 2021, từ cảng Tiên Sa nhìn về, Đà Nẵng thu gọn trong tầm mắt, lung linh rực rỡ đèn màu. Trong thời khắc đó, tôi lại có dịp theo chân hoa tiêu ngoại hạng Hoàng Việt nhảy lên tàu viễn dương Interasia Monmentum để mục sở thị hoa tiêu ngoại hạng làm nhiệm vụ đưa tàu rời cảng. Con tàu dài khoảng 200m, tải trọng mấy ngàn tấn đã chất đầy hàng hóa. Theo lối cầu thang leo lên tháp điều khiển ở cuối con tàu, từ đây nhìn về phía dưới là hàng trăm công-ten-nơ xếp ngay ngắn dài đến tận mũi tàu.
Bắt tay chào hỏi các thủy thủ, anh Việt nhanh chóng hướng dẫn đưa tàu rời cảng. Anh lệnh cho lái tàu bấm một hồi còi. Tiếng còi vang xé màn đêm, báo hiệu chuyến tàu cuối cùng của năm 2020 chuẩn bị rời Đà Nẵng.
Quan sát màn hình ra đa, cập nhật các thông số của tàu, hoa tiêu Hoàng Việt tiếp tục lệnh cho thuyền trưởng, lái tàu vận hành theo chỉ dẫn. Bên dưới, nhân viên cảng vụ theo chỉ đạo cũng khẩn trương tháo hết dây chằng. Phía xa, các tàu đẩy của cảng vụ cũng đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Dưới sự hướng dẫn của hoa tiêu, thuyền trưởng tàu viễn dương từ từ cho tàu nhích ra, bắt đầu rời cảng. Phía mũi tàu, 3 tàu đẩy được lệnh tiến tới, áp mũi vào bên trái mạn tàu, hộ sức giúp tàu quay mũi về phía biển.
“Nghề hoa tiêu là vậy, chẳng nhớ bao năm đón tết nơi cầu cảng, trên những con tàu hay giữa biển khơi. Cứ vào dịp này, anh em thường đón tàu đầu năm. Năm nay không có tàu vào, anh em tiễn tàu rời đi coi như tiễn đưa một năm đầy biến cố, để mai mốt thành phố, đất nước mình đón những niềm vui”.
Anh Việt bộc bạch
Chỉ trong chưa đầy 30 phút, tàu viễn dương khổng lồ, nặng hàng ngàn tấn từ từ rời xa cầu cảng, trở về biển cả. Nhiệm vụ hoàn thành, trước khi rời tàu, anh Việt chào tạm biệt, gửi lời chúc mừng năm mới anh em tàu viễn dương cùng lời hẹn gặp lại một ngày gần nhất.
Cùng “lái” tàu sân bay Mỹ
Hoa tiêu ngoại hạng Hoàng Việt cũng chính là một trong hai người Việt đầu tiên đặt chân lên tàu Sân bay Mỹ để trực tiếp cùng “lái” khối sắt thép khổng lồ này vào vịnh Đà Nẵng hồi tháng 3/2020.
Ngày 5/3/2020, tàu Sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt – CVN 71 ghé thăm Đà Nẵng nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Nhận kế hoạch tàu sân bay vào thăm TP Đà Nẵng khá gấp rút do tính bảo mật thông tin của hoạt động quân sự, lãnh đạo Hoa tiêu Hàng hải khu vực IV (đóng tại Đà Nẵng) cùng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ đã trực tiếp làm việc với các bên liên quan nhằm đưa ra các phương án tối ưu. Đồng thời, cử hai hoa tiêu hàng hải ngoại hạng dày dạn kinh nghiệm, thông thạo về ngoại ngữ là Hoàng Việt và Lê Quang Nam trực tiếp dẫn tàu. Trong đó, hoa tiêu Hoàng Việt dẫn tàu CVN 71, hoa tiêu Lê Quang Nam dẫn tàu tuần dương USS Bunker.
Tròn 44 tuổi, dáng người cao, mảnh, anh Việt đã có 20 năm tròn gắn bó với nghề hoa tiêu. Hàng ngàn con tàu từ tàu quân sự, đến tàu hàng, tàu khách, du thuyền nước ngoài sang trọng được anh và đồng đội hướng dẫn cập và rời cảng an toàn khắp cảng biển miền Trung.
Nhiệm vụ đón tàu CVN 71- mệnh danh là “gậy răn đe lớn” (Big Stick) của Hải quân Hoa Kỳ là một trong nhiệm vụ khiến anh Việt cùng cộng sự hết sức hào hứng và tự hào. Được theo chân anh lần ấy, tôi cũng hồi hộp không kém. Ngồi trên xe ra cảng Tiên Sa đi làm nhiệm vụ, anh Việt chia sẻ: Hoa tiêu hàng hải làm việc không kể giờ giấc. Cứ có tàu nước ngoài, có lệnh là lên đường bất kể ngày lễ, tết. Mưa nắng, sóng gió là thử thách lớn nhất đối với các hoa tiêu khi đi ra biển khơi đón tàu bạn. “Tổ quốc giao nhiệm vụ, được gọi tên là chúng tôi lên đường. Vất vả, trách nhiệm nhưng vinh dự. Nhiệm vụ giao phó là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những con tàu của bạn bè quốc tế cập và rời cảng an toàn”, anh Việt bộc bạch.
6h30, đạp sóng, tàu hoa tiêu Pilot 1 đã có mặt trên vùng biển ngoài bán đảo Sơn Trà, cách bờ tầm 10 hải lý. Sóng lừng, lắc lư con tàu nghiêng ngả. Tài công cho tàu đứng máy. Có vẻ như tàu sân bay trễ hẹn. Rút icom, anh Việt liên tục gọi cho tàu sân bay. Một lúc sau, phía tàu sân bay một giọng nữ hồi đáp hoa tiêu. Qua icom, anh Việt gửi lời chào mừng thủy thủ đoàn biên đội tàu sân bay đến Việt Nam, đến với Đà Nẵng xinh đẹp. Liền sau đó, anh đọc tọa độ của tàu Hoa tiêu đang đợi để tàu sân bay đi về đúng hướng. “Chỉ cần chệch tọa độ, với tốc độ di chuyển của tàu sân bay, việc quay lui để vào vịnh sẽ rất mất thời gian”, anh Việt cho biết.
Đúng 7h, CVN71 giảm tốc độ và lừng lững cắt ngang qua trước mũi tàu Pilot 1, phía sau tàu Tuần dương USS Bunker. Qua icom, tàu Pilot 1 được hướng dẫn cập mạn tàu sân bay từ phía sau. Tiếng động cơ tàu sân bay gầm rú, khi tàu tiến lại gần, anh Việt giơ tay vẫy, hét lớn chào mừng thủy thủ đoàn đang tác nghiệp đón hoa tiêu lên tàu. Đáp trả, át tiếng sóng và tiếng động cơ, những tiếng “xin chào” của các lính Mỹ.
Sóng dập dềnh, việc tiếp cận đưa tàu lại gần để hoa tiêu lên tàu sân bay không hề dễ dàng và rất nguy hiểm. Chỉ cần sẩy chân, hoa tiêu sẽ gặp tai nạn hoặc rơi xuống biển. Từ tàu Pilot 1, anh Việt được hai đồng đội hỗ trợ để lên tàu sân bay khi bên kia hai lính Mỹ cũng sẵn sàng đón. Lên tàu an toàn, hoa tiêu được dẫn thẳng lên tháp điều khiển chính của tàu. Cờ hoa tiêu hàng hải được trao và kéo lên trên đỉnh tàu, báo hiệu tàu đã được hoa tiêu dẫn đường và cho phép vào vịnh, neo đậu ở lãnh hải Việt Nam. Cùng lúc, hoa tiêu ngoại hạng Lê Hoàng Nam cũng được đưa lên tàu USS Bunker để làm nhiệm vụ.
Anh Việt kể, trên tháp cao lừng lững cả trăm lính, thủy thủ thao tác, vận hành điều khiển tàu sân bay. Theo quy định anh Việt cập nhật và cung cấp các thông tin cho chỉ huy tàu sân bay về các yếu tố ảnh hưởng đến việc di chuyển của tàu như điều kiện khí tượng, thủy văn, thời tiết,… liên quan đến luồng và cầu cảng. Dựa trên những thông tin tư vấn của các hoa tiêu, cùng thiết bị hiện đại, tàu sân bay nhanh chóng di chuyển và thả neo an toàn trên vịnh Đà Nẵng...