Đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số báo chí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nội dung báo chí sẽ được đưa lên nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, sản xuất nội dung theo hướng báo chí số là những mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ Thông tin và Truyền thông đang thúc đẩy quá trình này bằng ba giải pháp được công bố thời gian qua.

Chuyển đổi số góp phần tăng lượng người xem, nghe

Định nghĩa về chuyển đổi số trong báo chí, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, chuyển đổi số báo chí là dùng công nghệ để giải bài toán vướng mắc của cơ quan báo chí, để có trải nghiệm khách hàng tốt, tăng số lượng người xem, nghe, từ đó tăng doanh thu quảng cáo, phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền.

42 tiêu chí chuyển đổi số báo chí

Theo đại diện Cục Báo chí, mô hình đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí gồm 42 tiêu chí, được chia thành 10 chỉ số thành phần và nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí, với số điểm tổng tối đa là 100 điểm, gồm:

Chiến lược: 18 điểm; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; Độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm; Mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm;

Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí sẽ được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được, cụ thể:

Mức 1: dưới 50 điểm, mức yếu; Mức 2: 50-60 điểm, trung bình; Mức3: 60-70 điểm, khá; Mức 4: từ 70 đến 80 điểm, tốt; Mức 5: trên 80 điểm, Xuất sắc.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong báo chí, ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu rất rõ ràng, giúp mọi người nhận thức và hình dung cụ về chuyển đổi số trong báo chí.

Đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số báo chí  ảnh 1

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc chia sẻ về các giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi số báo chí tại Họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 5/6

Ví dụ, 70% cơ quan báo chí sẽ đưa nội dung lên các nền tảng số, 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số, 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

Đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi số báo chí  ảnh 2

5 trụ cột của chuyển đổi số trong báo chí. Đồ họa: Cục Báo chí

Theo ông Lưu Đình Phúc, việc ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí là sự kiện có ý nghĩa trong việc tạo tiền đề quan trọng định hướng phát triển cho các cơ quan báo chí trong công cuộc chuyển đổi số.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện kế hoạch này, những ngày đầu tháng 6, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đồng thời ba giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số báo chí gồm Thành lập trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; Ban hành Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; Ra mắt Cổng thông tin điện tử https://pdt.gov.vn/. Đây là những giải pháp vừa mang tính thúc đẩy vừa mang tính đánh giá, hoạt động chuyển đổi số của các cơ quan báo chí tại Việt Nam.

Hỗ trợ nhiều hoạt động chuyển đổi số cho cơ quan báo chí

Theo ông Lưu Đình Phúc, Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số đã được nêu trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Một số nội dung hỗ trợ cụ thể như Trung tâm sẽ kết nối, tập hợp các chuyên gia, các nhà nghiên cứu uy tín, lãnh đạo của các cơ quan báo chí có vai trò dẫn dắt để cùng giải quyết những vấn đề mà công cuộc chuyển đổi số báo chí đặt ra. Thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng đồng thời huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đồng hành với mục tiêu của chương trình hỗ trợ báo chí chuyển đổi số.

Với việc ban hành Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, ông Lưu Đình Phúc cho biết, đây là căn cứ để đánh giá cơ quan báo chí đang chuyển đổi số như thế nào, vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì. Bộ chỉ số giúp nâng cao nhận thức cho lãnh đạo cơ quan báo chí về những việc cụ thể cần phải làm để thực hiện chuyển đổi số, bao gồm các tiêu chí, các hành động cụ thể. Với cơ quan quản lý, dữ liệu thu thập từ các cơ quan báo chí sẽ cho thấy bức tranh tổng thể về chuyển đổi số của ngành báo chí, để từ đó có các hành động thúc đẩy, hỗ trợ kịp thời.

Ông Phúc cho biết thêm, hàng năm Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố xếp hạng mức độ trưởng thành Chuyển đổi số báo chí. Cơ quan báo chí, sau khi đã được thẩm định, đánh giá, cũng sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Chứng nhận mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Đại diện Cục Báo chí cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan báo chí sử dụng công cụ phần mềm và áp dụng Bộ Chỉ số đúng cách để đảm bảo triển khai thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho hoạt động chuyển đổi số của cơ quan báo chí trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG